1. Nhiều mô hình hiệu quả
Năm năm qua, huyện Tứ Kỳ đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với vùng sản xuất tập trung đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện Tứ Kỳ đã quy hoạch được 160 vùng sản xuất lúa tập trung quy mô từ 10 ha/vùng trở lên, 65 vùng chuyên canh cây rau màu, 20 vùng sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm quy mô từ 30 ha/vùng trở lên, 24 vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 20 ha trở lên, 85 trang trại chăn nuôi tập trung; xây dựng nhà màng, nhà lưới để áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rau, củ, quả an toàn.
Đặc biệt, với đặc điểm riêng có, huyện đã xây dựng được 06 vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với khai thác rươi, cáy tự nhiên với diện tích gần 250 ha. Trong đó, có 03 sản phẩm là gạo hữu cơ, rươi, cáy được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Rươi, cáy Tứ Kỳ đạt chất lượng 4 sao, gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn 5 sao. Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, sau khi dự án cải tạo, nâng cấp cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) hoàn thành, dự kiến trong năm tới diện tích sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên sẽ là 530 ha, cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.
Sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Báo Nông nghiệp
Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn cũng đang đối mặt với các vấn đề khó khăn như: sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất canh tác thấp.
Ngoài một số ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp.
Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cơ bản bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, mất nhiều công lao động, nên giá thành sản phẩm thường cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn … Mặt khác, do được giao ruộng đất ổn định, lâu dài, nhiều hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún hoặc có tâm lý giữ đất (dù bỏ hoang không sản xuất), nên khó khăn trong tập trung sản xuất lớn. Việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông sản sạch, nông sản hữu cơ hiện cũng là một thách thức đối với người sản xuất nông nghiệp và các nhà quản lý.
2. Một số giải pháp
Việc duy trì các sản phẩm truyền thống của địa phương, phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu sống còn đối với kinh tế nông nghiệp, nhất là trong tình trạng môi trường sống, môi trường sản xuất ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng như hiện nay. Ở tầm vĩ mô cần có sự nghiên cứu phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học và thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại địa phương theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định. Trong đó quan tâm đến quy hoạch chi tiết từng vùng và thực hiện tốt quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện chiến lược bảo vệ diện tích đất nông nghiệp có giá trị vì đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp. Hình thành nên các vùng sản xuất lớn, từ đó có điều kiện cho đầu tư vốn, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành một số chính sách tháo gỡ vướng mắc về đất đai, mở rộng hạn điền, tạo điều kiện cho sản xuất quy mô lớn.
Các mô hình rau màu sản xuất theo hướng an toàn tại Hải Dương đang cho hiệu quả cao. Ảnh: internet
Tập trung thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư cho nông dân để thuận lợi trong quy vùng sản xuất và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bao tiêu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ...
Khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định. Thực hiện xúc tiến thương mại, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ... để quảng bá thương hiệu hàng nông sản sạch, hữu cơ. Tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các vùng, miền khác trong nước và đặc biệt là việc tìm hiểu, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu nông sản sạch, hữu cơ ra nước ngoài.
Quan tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, đặc sản vùng miền theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Sự đa dạng về khí hậu, đất đai, vị trí địa lý là điều kiện để mỗi địa phương có được nhiều loại nông sản, đặc sản đa dạng, phong phú. Khi được sản xuất theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ, những đặc sản đó không chỉ được nhân dân trong nước yêu thích, mà sẽ là sản phẩm xuất khẩu được người dân nhiều nước trên thế giới đón nhận.
Nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp nuôi - trồng tự nhiên kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhất là ở các vùng sản xuất ven các con sông lớn. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ công tác quy hoạch, thiết kế mạng lưới hạ tầng đồng bộ như giao thông nội bộ, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống nhà hàng, khách sạn,... tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ; hình thành các mô hình nuôi - trồng và du lịch sinh thái - trải nghiệm ở các huyện, thị xã, thành phố.
Tuyên truyền sâu rộng về sản xuất bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ và việc tiêu thụ, sử dụng nông sản sạch trong đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tập trung hình thành thói quen lựa chọn nông sản, thực phẩm sạch trong tiêu dùng và đời sống sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng để đảm bảo thị trường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực, thực phẩm với việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện là một xu hướng phát triển tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững./.
PV tổng hợp theo Báo Hải Dương