Theo dự kiến, ngày 29-4 tới đây, Bộ GTVT sẽ đưa vào khai thác 2 đoạn tuyến cao tốc mới, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, với chiều dài hơn 162km. Như vậy, đến thời điểm này, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đã có 4 đoạn tuyến được hoàn thành, với tổng chiều dài gần 280km trên tổng số 654km.
Với tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa sẽ được rút ngắn chỉ còn 2 giờ chạy xe so với 3 giờ như hiện nay; còn với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thời gian di chuyển từ TPHCM đi TP Phan Thiết (Bình Thuận) được rút ngắn từ 5-6 giờ xuống còn 2 giờ. Rất nhiều công ty du lịch, người dân đã lên kế hoạch về một tour đi biển Phan Thiết bằng đường bộ cao tốc ngay trong dịp lễ 30-4, 1-5 và mùa hè năm nay, sau khi tuyến đường này được đưa vào khai thác.
Dự kiến vào ngày 19-5, sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới được thông xe, gồm đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 157km. Tiếp theo đó, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành tháng 7-2023, đoạn tuyến quốc lộ 45 - Nghi Sơn dự kiến hoàn thành tháng 8-2023; dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành tháng 12-2023. Như vậy, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) được đưa vào khai thác.
Hiệu quả đầu tư các dự án cao tốc chỉ có thể đạt được ở mức cao khi các dự án trên toàn tuyến đưa vào khai thác đồng bộ. Trên thực tế đã có nhiều dự án cao tốc phải lùi thời hạn về đích, do những khó khăn trong thi công, do vướng mắc giải phóng mặt bằng, do thiếu vật liệu đất đắp, do năng lực nhà thầu yếu kém...
Do đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần quyết liệt chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý việc chậm trễ trong thi công để đưa các dự án vào khai thác đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vào giữa năm 2024. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ dự án giai đoạn 1, Bộ GTVT cũng cần rốt ráo xử lý những vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025). Hiện công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu đất đắp vẫn đang là những điểm nghẽn của các dự án này.
Một tuyến đường bộ cao tốc hiện đại chạy dọc dài đất nước đã được vẽ ra trước mắt, không còn quá xa vời. Cùng với đó, hàng loạt các tuyến cao tốc kết nối mọi vùng miền đang được triển khai, hướng tới mục tiêu đạt 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra. Những cung đường cao tốc ven biển, xuyên rừng đẹp như mơ hay băng qua những vùng cỗi cằn sỏi đá đều sẽ mang đến niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng cho người dân, cho mỗi vùng đất mà nó đi qua.
Nguồn SGGP