Câu hỏi: Tình hình thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau đại dịch covid-19, Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển nhanh, bền vững. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế là một nội dung hết sức quan trọng, cấp bách. Xin cho biết Chính phủ Việt Nam đã có định hướng như thế nào để thực hiện nội dung này?
Trả lời
Cơ cấu lại nền kinh tế giúp phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia, cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau đại dịch covid-19, trong bối cảnh Việt Nam là một trong sáu nước chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu,… là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chương trình đặt ra mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Chương trình đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể là:
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.
- Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP.
- Đến năm 2025, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
- Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.
- Giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế.
- Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững, trong đó thiết lập, vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch nợ nhằm thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, trong đó Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là trung tâm của thị trường. Tất cả các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
- Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.
- Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 - 15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai.
- Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 40 - 50 bậc; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc so với năm 2019.
- Tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt không dưới 1% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.
- Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
- Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt khoảng 20%; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
- Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Chương trình nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Thứ nhất, cơ cấu lại đầu tư công. Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Thứ ba, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Thứ tư, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Cụ thể là: Thứ nhất, phát triển thị trường tài chính. Thứ hai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất. Thứ ba, phát triển thị trường lao động. Thứ tư, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Ba là, phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Thứ nhất, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ ba, phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ tư, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bốn là, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Thứ nhất, ban hành và thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng; xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; lựa chọn địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, kiện toàn bộ máy tổ chức điều phối vùng. Hoàn thiện định hướng, cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả hợp tác, liên kết vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành có thế mạnh; phát triển mô hình kinh tế xanh, khu kinh tế phù hợp với đặc trưng từng vùng.
Năm là, cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Cụ thể là: Thứ nhất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thứ hai, cơ cấu lại ngành công nghiệp. Thứ ba, cơ cấu lại các ngành dịch vụ.
Chính phủ đã phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Nông thôn; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, địa phương.
PV
Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Kèm theo Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ).