Trả lời:
Trong những năm chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần bàn và chỉ ra những nội hàm chủ yếu của khái niệm “lãnh đạo”, “lãnh đạo đúng” của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Người viết:
Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng vì dân chúng chính là người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được[2].
Những điểm nêu trên cũng là những yếu tố chủ yếu tạo nên sự lãnh đạo đúng của Đảng. Đó cũng chính là quy trình, cách thức, phương pháp lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Tại Đại hội lần thứ VII (6-1991), Đảng đã nêu khá rõ về phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng các công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên...
Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đảng ta bổ sung: Đảng "lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không chỉ thông qua cá nhân đảng viên".
Tại Đại hội X (4-2006), Đảng ta đã có bước phát triển nhận thức về phương thức lãnh đạo, bổ sung thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Đảng nhấn mạnh: "Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của Đảng theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng; làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, nói đi đôi với làm. Đổi mới cách ra nghị quyết, văn kiện và báo cáo phải ngắn gọn, thiết thực, cụ thể; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội nghị. Cấp uỷ dành nhiều thời gian tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; chỉ đạo hoạt động của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân... Xây dựng và thực hiện chế độ báo cáo xin ý kiến... Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương về hoạt động của mình giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương"[3].
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ rõ hơn và bổ sung thêm những vấn đề chủ yếu về phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo bằng công tác cán bộ, lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, phương thức là phương pháp và hình thức tiến hành[4]. Phương pháp là cách thức tiến hành để có hiệu quả cao[5].
Sách Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đưa ra định nghĩa: Phương thức lãnh đạo là tổng thể phương pháp, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác... mà Đảng sử dụng để thực hiện sự lãnh đạo toàn xã hội thông qua tổ chức đảng, đảng viên ...[6].
Từ phân tích trên, có thể hiểu: Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng thể các hình thức, phương pháp, cách thức, quy chế, quy trình, phong cách, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phương thức lãnh đạo của Đảng, gồm:
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh chính trị; các quan điểm, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; các chủ trương, quan điểm và các quyết định của Đảng về tổ chức, hoạt động của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hoạt động của Nhà nước để thực hiện trong toàn xã hội.
Thứ ba, thông qua hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội…
Thứ tư, lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, bằng công tác tổ chức, cán bộ các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội và bằng phong cách, lề lối làm việc của Đảng.
Thứ sáu, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các lĩnh vực của đời sống xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của các tổ chức này tiến hành thanh tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan và cán bộ, công chức của các tổ chức đó.
Thứ bảy, động viên các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, công chức và tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể và nhân dân thực hiện công việc này đạt chất lượng, hiệu quả.
[1] Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2002, tr. 268.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2002, tr. 285.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2006, tr. 310-311.
[4] Nguyễn Như Ý (chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, H., 1998, tr. 1352
[5] Sđd, tr. 1351
[6] Trần Đình Nghiêm (chủ biên): Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2002, tr. 64-65.
Tuấn Giang