Tại Việt Nam, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ngày 8-9-2016), những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước tính bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD. Đây là những số liệu mang tính khích lệ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.
Về lý thuyết, người đi sau được thừa hưởng những bài học, kinh nghiệm của những người đi trước mở đường, song có lẽ ngành CNVH tại Việt Nam thời điểm này vẫn chưa tận dụng được vị thế “đứng trên lưng” người khổng lồ để phát triển. Tại thời điểm này, nhiều lĩnh vực vẫn còn cảnh mạnh ai nấy làm.
Phim trường dựng lên với tiền tỷ, nhưng xong việc lại phá dỡ mà không tận dụng khai thác làm dịch vụ. Nhiều sự kiện nghệ thuật, thể thao lớn chỉ mới chú tâm làm nội dung mà bỏ qua các dịch vụ phụ trợ như thời trang, ẩm thực, lưu trú…
Điện ảnh cũng có một số tác phẩm tốt, thu hút khán giả tới rạp và đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng những tác phẩm có thể chinh phục khán giả trong nước cũng như thế giới chưa nhiều. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu; các không gian sáng tạo bùng nổ ở nhiều đô thị, nhưng có chiều hướng phát triển không bền vững...
Chúng ta có những di sản thuộc những vùng đặc trưng văn hóa, lịch sử, tự nhiên nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn hay Hà Nội ngàn năm văn hiến… nhưng tất cả dường như vẫn là những “viên ngọc thô” chưa được khai thác và phát huy hết các tiềm năng.
Trong lĩnh vực khác là game online, với lợi thế dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, Việt Nam đang được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ. Số lượng các công ty và cá nhân Việt Nam tham gia sản xuất và phát hành game dành cho thị trường toàn cầu khá đông đảo.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 5.000 game do người Việt sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào các đề tài, nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục. Phần mềm và trò chơi giải trí hiện đang là mũi nhọn của ngành công nghệ thông tin - viễn thông, nhưng đây còn được coi là một ngành CNVH đầy triển vọng khi có sự kết hợp giữa trí sáng tạo và công nghệ số.
Các sản phẩm phần mềm không những tham gia vào hoạt động của tất cả lĩnh vực xã hội mà còn sở hữu tiềm năng to lớn góp phần quảng bá truyền thống, văn hóa, cảnh quan Việt Nam một cách rộng khắp. Song, hiện chúng ta chưa có định hướng khuyến khích, hỗ trợ phát triển game online trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo lớn mạnh.
Nhiều nguyên nhân khiến cho CNVH chưa có bước phát triển đột phá, song chúng ta chờ đợi sẽ sớm có được chính sách hỗ trợ thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho văn hóa cụ thể như ưu đãi về thuế, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao… Đột phá về chính sách sẽ chính là đòn bẩy hiệu quả để CNVH có thể cất cánh./.
Nguồn SGGP