Sự đa dạng tiềm năng
Quảng Ninh là địa phương có sự đa dạng về địa hình, không gian, với rừng, núi, biển đảo, nông thôn, đô thị, di tích cổ, làng nghề truyền thống. Kéo theo đó là sự đa dạng về bản sắc văn hóa, về ngành nghề, về sự khác biệt trong tập tục sống, của nhiều cộng đồng dân cư mà chỉ tính riêng lễ hội con số đã trên dưới 300, trong đó có nhiều lễ hội cho khả năng về sản phẩm du lịch.
Cái đa dạng, phong phú và độc đáo ấy chính là tiềm năng, mà nếu biết cách khai thác, nó rất có thể sẽ “hớp hồn” du khách. Bạn muốn làm một ngư dân lênh đênh câu mực, đánh cá trên Vịnh Hạ Long và nghe những câu chuyện của người dân chài đã sống nhiều thế hệ trên vịnh về cách biết con mực cắn câu, về vùng vịnh nào hay có loài cá nào trú ngụ và vô vàn những câu chuyện thú vị về vịnh biển được truyền từ đời này qua đời khác?
Muốn ngủ đêm trong căn nhà sát biển của người làng chài trên đảo Cô tô, Vĩnh Thực, nghe sóng biển ì ầm xuyên đêm hay chèo mủng gỡ lưới khi bình minh vừa rạng? Bạn muốn cái bận bịu hối hả trên thửa ruộng lúa vừa chín tới, hay thong thả với chiếc cần câu ngồi dưới góc cây sung già bên bờ ao chờ cá tới rồi tới bữa ăn cơm cua cà, chiều chiều đi nghe quan họ, xem múa rối như cái cách lao động và hưởng thụ của một người nông dân đích thực của làng quê Yên Đức Đông Triều), muốn đắm mình trong làng rau, làng tre, làng hoa Tiền An (Quảng Yên).
Du khách thích thú với những trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt
Bạn muốn tay mình nấm nem bùn đất để nặn lên một chiếc bình gốm và thích thú ngắm sản phẩm khi nó ra lò như cái cách hàng ngày của những người thợ gốm Đông Triều? Bạn có thích lang thang nơi phố cổ Tiên Yên và tò mò xem cái cách người ta làm bánh gật gù, làm món khau nhục?
Bạn thích lội bùn bắt ốc, tìm cua nơi rừng sú nhiều chục năm tuổi Hải Hà, Tiên Yên? Thích lặn lội tới các bản vùng cao Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên để dự lễ hội hoa sở, hoa trà vàng, lễ hội cầu mùa để cùng thổi khèn, cùng hát then, thi bắn cung, làm bánh giày, hay lội qua những con suối mát lạnh để tận hưởng trong không gian mùi thơm của những bản làng đang mùa thu hoạch quế, hồi?
Làng Quê Yên Đức (Đông Triều) là sản phẩm du lịch cộng đồng gần như duy nhất có được sức hút với du khách
Hay bạn muốn một ngày sống cuộc đời người thợ lò nơi khai trường khai thác than để thấm nỗi chuân truyên của người thợ? Những tua du lịch chứa trong nó nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị thật khó chối từ.. Sơ sơ như vậy, nếu “tính đúng, tính đủ” thì còn nhiều, rất nhiều “đặc sản” có thể thành sản phẩm du lịch.
Cần có chính sách phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh
Theo ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông - người đã rất thành công với sản phẩm du lịch cộng động tại Làng Quê Yên Đức, Đông Triều thì Quảng Ninh đang thiếu kiến thức để phát triển du lịch bền vững.
“Quảng Ninh có các tài nguyên du lịch cộng đồng rất tốt, từ miền biển cho đến đồng bằng, miền núi, dựa vào trụ chính là Vịnh Hạ Long để khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ cộng đồng đó sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Quảng Ninh lại đang gặp rất nhiều thách thức về các kiến thức để có thể phát triển nơi đó mang tính chất bền vững, đồng thời đem lại lợi ích cho người dân và không làm tổn thương đến yếu tố văn hóa truyền thống của họ”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Chúng tôi nhận thấy là du khách ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Chính vì vậy, chúng tôi đặt vấn đề xuyên suốt trong các sản phẩm du lịch cộng đồng trải nghiệm của mình sẽ đem yếu tố văn hóa đến giới thiệu tới du khách”. Ông Dũng nói và nhấn mạnh, một trong những thách thức với chúng tôi là đem kiến thức tạo ra văn hóa trong sản phẩm của mình, vì văn hóa trong cộng đồng đó rất quan trọng. Sản phẩm du lịch cộng đồng thì dịch vụ chỉ là phương tiện để người ta đến, tiếp cận với văn hóa, cuộc sống của người dân mà thôi. Nhưng làm thế nào để các bên cùng có kiến thức quản trị đó và chia sẻ lợi ích tốt cho các bên liên quan thì ngoài tầm quản trị của doanh nghiệp...
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng xứng tầm, trước hết cần xây dựng quy hoạch, có định hướng trước mắt và lâu dài, để các vùng có tiềm năng được quy hoạch cụ thể, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.
Từ đó, các địa phương có định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo từng thời kỳ, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội cũng như tiềm năng du lịch của địa phương.
Thứ hai là phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và những người làm du lịch cộng đồng. Điều đó rất quan trọng, chỉ khi có sự tham gia của người dân trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm thì du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững được.
Thứ 3 là du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, vì thế rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc định hướng phát triển, đầu tư hạ tầng thiết yếu, các công trình phụ trợ giống như “vốn mồi” để người dân, doanh nghiệp tại đó có thể phát triển được.
Cuối cùng, ông Thủy nhấn mạnh là phát triển du lịch cộng đồng phải liên quan chặt chẽ với phát triển du lịch chung của tỉnh, vì tỉnh có nguồn khách chung lớn, nếu không có định hướng, tuyên truyền, quảng bá tốt thì rất khó kéo khách đến vùng còn khó khăn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp