Niềm tin của nhân dân là sự là sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng cư dân trong một quốc gia đối với các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước của nhà lãnh đạo, quản lý. Niềm tin của nhân dân có vai trò rất quan trọng, là nhân tố trung tâm quyết định tinh thần đoàn kết của dân tộc; là động lực khai phóng các tiềm năng, nguồn lực của đất nước và là tiền đề vững chắc, là nguồn lực quan trọng, chính yếu để để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là thực tế sinh động nhất để minh chứng cho điều đó.
Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, sức mạnh của niềm tin về nòi giống “con rồng cháu tiên” đã hòa quyện với khát vọng giành độc lập, tự chủ, là động lực chính để toàn dân tộc Việt Nam kiên trì, bền bỉ, bất khuất đấu tranh để giữ vững lấy “hồn quốc”, với những anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ… Để rồi, năm 938, với sức mạnh của niềm tin và tinh thần đoàn kết một lòng, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho đất nước. Hội nghị Diên Hồng thời Trần cũng chính là một minh chứng về tinh thần vua - tôi đoàn kết một lòng, về niềm tin vào thắng lợi cuối cùng với quyết tâm “Đánh” trước kẻ thù mạnh hơn ta về nhiều mặt, để rồi chúng ta đã ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, một trong những đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Hai chữ “Diên Hồng” đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí và niềm tin son sắt giữa nước với dân.
Dưới thời Nguyễn, dù triều đình khuất phục trước gót giày xâm lăng của thực dân Pháp, nhưng nhân dân Việt Nam với niềm tin và ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc đã dũng cảm đứng lên khởi nghĩa, phản kháng sự cai trị của thực dân Pháp, với tinh thần “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực). Đó chính là niềm tin về ý chí tự cường, về sức mạnh nội tại của dân tộc ta.
Cũng chính niềm tin vào sự nghiệp độc lập, tự do của đất nước đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành bôn ba khắp “bốn bể, năm châu” tìm đường cứu nước, cứu dân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng đã hòa quyện, thống nhất với lý tưởng của toàn dân tộc, với niềm tin của Nhân dân. Nhân dân đã nuôi nấng, bao bọc, chở che cho Đảng; hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, giam cầm nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lời thề sắt son theo Đảng bởi họ đã tìm được lý tưởng, niềm tin, tức là đã tìm thấy được sức mạnh, tìm được điểm tựa tinh thần và động lực cho cuộc sống. Lý tưởng ấy đã soi sáng niềm tin thắng lợi cho nhân dân, mà nòng cốt là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân hăng hái đấu tranh xóa bỏ xích xiềng phong kiến, thực dân, làm nên các cao trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939-1945 mà tiêu biểu là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, với quyết tâm sắt đá “dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước những tình thế vô vàn khó khăn, thử thách “ngàn cân treo đầu sợi tóc”. Nhưng với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sức mạnh niềm tin của Nhân dân lại được phát huy; hơn 20 triệu đồng bào đã đoàn kết một lòng, hăng hái tham gia “tuần lễ vàng”, “quỹ độc lập”, thực hiện phong trào “tăng gia sản xuất”, “bình dân học vụ” và đoàn kết, thống nhất để chống thù trong giặc ngoài. Thắng lợi hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là minh chứng sinh động cho một chân lý mà các dân tộc bị áp bức trên thế giới đều có thể tin tưởng, rằng: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một đảng mác-xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định đánh bại được các cuộc chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù.
Sau năm 1954, miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, sức mạnh niềm tin của nhân dân tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhân dân Việt Nam, triệu người như một đều hăng hái tham gia sản xuất, chiến đấu, với những phong trào như “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Gió Đại Phong” ở hậu phương lớn miền Bắc, đến phong trào Đồng Khởi ở tiền tuyến lớn miền Nam những năm 1960… Những thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là những minh chứng cho sức mạnh vô địch của niềm tin, bởi truyền thống của một dân tộc vốn đất không rộng, người không đông, vũ khí trang bị chưa hiện đại, nhưng với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng đã đánh thắng một đế quốc to, quân đông, vũ khí trang bị hiện đại.
Sau khi đất nước thống nhất, khát vọng dân tộc bao trùm là thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh niềm tin của nhân dân tiếp tục được huy động để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong đại dịch Covid 19, Nhân dân lại một lòng sát cánh cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức, đảm bảo an sinh xã hội, “tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết” (còn tiếp)./.
Đ.T.L