Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 16/6/2021 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến với 40 điểm cầu trên cả nước, góp phần phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ và sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đề xuất những giải pháp khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có PGS,TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS,TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tham dự hội thảo tại điểm cầu Trung ương có đại biểu các ban, bộ ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: hcma
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Văn kiện Đại hội XIII là sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn mang tầm nhìn chiến lược về sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hệ thống các Văn kiện thể hiện nhiều điểm mới toàn diện, nổi bật trên nhiều mặt: từ trong cách làm và quá trình chuẩn bị các dự thảo, trong cách tiếp cận xây dựng văn kiện, trong chủ đề đại hội, trong xác định các bài học kinh nghiệm, đề ra hệ quan điểm chỉ đạo, xác định bối cảnh phát triển của đất nước, trong nội dung và cách xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, làm sâu sắc hơn chủ trương đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Yếu tố quan trọng này phải được thực hiện hiệu quả trong thực tế để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Các đại biểu dự Hội thảo ở điểm cầu chính tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, Đại hội XIII đề ra 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, vừa có tính bao quát toàn diện, vừa có các trọng tâm phát triển trên các ngành, các lĩnh vực, các địa phương.
Cụ thể, trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng, giữa xây dựng với bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Cách tiếp cận biện chứng này được thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng, phản ánh đầy đủ các yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó gắn việc dựa vào dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận thế nào, công tác kiểm tra, giám sát ra sao gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Lấy ví dụ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, công tác này tiếp tục với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm một cách kiên quyết. “Tới đây làm thế nào để không thể, không dám, không muốn tham nhũng nữa, hoàn thiện hệ thống pháp luật thế nào để ngăn chặn được tình trạng, nguy cơ vi phạm và quan trọng là chế độ, chính sách thế nào để người ta không muốn tham nhũng. Những việc làm lâu nay là đúng, mang tính tiền đề, còn căn cốt, xuyên suốt, triệt để chính là việc phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng".
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu dự Hội thảo đánh giá đúng thực trạng, định vị đúng đất nước trong sự phát triển của thế giới và khu vực, khẳng định sự đúng đắn, tính khả thi của khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII đã đề ra. Trên cơ sở đó, luận giải kỹ, phân tích các bước triển khai cụ thể, đồng bộ, nhất quán từ định hướng chiến lược đến nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá được đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; phân tích, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của phương hướng, mục tiêu, lộ trình xây dựng và kết hợp sức mạnh của nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Quán triệt Văn kiện Đại hội XIII và những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian qua, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự hội thảo phân tích, nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và bổ sung, hoàn chỉnh lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, phân tích làm rõ tầm quan trọng của “ý Đảng, lòng Dân” và trách nhiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, xứng tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp phát triển đất nước mà nhân dân giao phó.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng kết luận: “Vận dụng, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn đòi hỏi các tổ chức Đảng, các cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác, đặc biệt là xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Chú ý tinh thần đổi mới sáng tạo, tránh giáo điều, dập khuôn, máy móc, khắc phục cho được khâu yếu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết mà kiểm điểm nhiệm kỳ Đại hội XII đã chỉ ra, từ đó sớm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.
PV tổng hợp từ VOV, website Đảng Cộng sản