Lời cam kết vẫn còn ở phía trước từ động thái quan trọng tiếp nối ngay sau lễ ký kết nâng tầm lên thành Đối tác chiến lược toàn diện của hai quốc gia và cũng là hiện thực hóa cam kết có trong văn bản này: “Ngày 8 tháng 9 năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định. Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng”.
Ghi nhận tính minh bạch trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng cũng như xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ được xem là đã đáp ứng một trong 6 tiêu chí quan trọng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong việc công nhận nền KTTT của một quốc gia. Tuy nhiên, là nước đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Mexico) có thặng dư thương mại đáng kể với Hoa Kỳ, sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng gây áp lực cho các ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ, buộc chính phủ Hoa Kỳ phải tìm các giải pháp để hạn chế nhập khẩu, điển hình như điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tính đến hết tháng 4-2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, Mỹ là quốc gia khởi kiện nhiều nhất, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 62/249 vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam, chiếm gần 25%. Với quy định mới của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (có hiệu lực từ ngày 24-4-2024) về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thì các sản phẩm từ thị trường Việt Nam bị điều tra ngày càng nhiều, tăng nhanh số lượng (chống lẩn tránh); trong đó tập trung vào sản phẩm xuất khẩu sử dụng nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc, điều tra liên tục, kéo dài và sử dụng nhiều biện pháp với cùng một sản phẩm đi cùng mức thuế phòng vệ thương mại bị đẩy lên cao…
×
Thực tế rất đáng ghi nhận là Việt Nam đang thực hiện nhiều tiêu chí còn tốt hơn cả một số nước đã được công nhận là nền KTTT cũng như sự có mặt của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ (Meta, Google, Intel…) là một minh chứng cho độ mở, sức hút của thị trường này. Ngay cả khi chưa được công nhận là nền KTTT thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ổn định với 3 năm liên tiếp xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu vào Mỹ tăng hơn 22% - là đầu kéo quan trọng khi đưa xuất khẩu của Việt Nam lên mức tăng trưởng gần 15%.
Do đó, nếu được công nhận là nền KTTT thì các rào cản cho Việt Nam sẽ được tháo gỡ, trong đó đặc biệt là 62 vụ đang bị điều tra sẽ được đối xử công bằng hơn. Bằng không, thị trường trăm triệu dân này sẽ tiếp tục… gồng - gánh những gánh nặng về thuế, giá ngay trên chính những mặt hàng chủ lực phù hợp với cung ứng của Hoa Kỳ như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ…
Chỉ riêng thị phần TPHCM, với cả mối “duyên nợ lịch sử” thì sẽ thấy có nhiều điểm cần được đánh giá và ghi nhận một cách công bằng, có lợi cho cả hai phía. Khi thành phố vẫn đang nỗ lực chủ động theo dõi, có ý kiến phản biện đối với những chính sách có thể dẫn đến nguy cơ bị xác định vi phạm các quy định về chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Thành phố cũng liên tục theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội ngành hàng để cập nhật diễn biến vụ việc và hỗ trợ doanh nghiệp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh (nếu có).
Một lần nữa lời cam kết còn ở phía trước, và cần thêm nỗ lực từ tất cả các bên.
Nguồn SGGP