Ngày này một tuần trước đã có không biết bao nhiêu người dân đến các ngân hàng để nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn về cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử.
Sau "5 lần, 7 lượt" không thể cài đặt vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, việc bổ sung thông tin sinh trắc học đã cơ bản dễ dàng hơn. Hệ thống ngân hàng không còn quá tải, người biết giúp người chưa biết…
Cài đặt thành công sinh trắc học có phải không còn lo lừa đảo khi chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng điện tử? Đã chắc chắn chưa khi từng xuất hiện tình trạng "ảnh tĩnh qua mặt sinh trắc học"? Ít ngày trước đã có người thử lấy ảnh chân dung và cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử quét thay vì quét trực tiếp khuôn mặt mình. Một vài ngân hàng có ứng dụng điện tử không nhận dạng được đâu là ảnh, đâu là mặt thật của chủ tài khoản. Và thế là ứng dụng đó bị "đánh lừa". Thậm chí theo một số người, việc quét ảnh thậm chí nhanh hơn khi xác thực bằng khuôn mặt thật.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như một số chuyên gia về an ninh mạng, tình trạng sinh trắc học trên ứng dụng một số ngân hàng bị lừa bằng một tấm ảnh chụp sẵn nói trên không phải lỗi. Đó là do tính năng "liveness detection" (xác định thực thể sống), một công nghệ nhằm phát hiện khuôn mặt giả mạo đã bị tắt. Do số lượng người dân cài đặt thông tin sinh trắc học trong ngày đầu quá lớn, thậm chí tăng đột biến nên một số ngân hàng đã tạm thời tắt tính năng này để bảo đảm tính ổn định, thông suốt của hệ thống. Tính năng này đã được khởi động lại, lỗ hổng xác thực bằng ảnh tĩnh đã được “bịt”.
Như vậy, có thể yên tâm rằng lỗi xác thực khiến không ít người dân bàn tán, xôn xao ít ngày qua đã được lý giải. Chúng ta có thể yên tâm.
Nhưng đó là vấn đề ảnh tĩnh, còn công nghệ giả mạo hình ảnh thì sao? Thuật ngữ DeepFake xuất hiện công khai trên internet từ khoảng cuối năm 2017, với nghĩa gốc của từ này là sự kết hợp giữa "Deep learning" (học sâu) và "Fake"(giả tạo). Công nghệ này được biết đến rộng rãi khi một người dùng trên diễn đàn trực tuyến Reddit đã sử dụng để hoán đổi gương mặt của người nổi tiếng vào một gương mặt khác với độ chính xác khá cao mà không mất nhiều công sức. Từ thời điểm đó, DeepFake được cả giới chuyên gia lẫn các "tay mơ" dõi theo và thậm chí tham gia phát triển.
Đến nay, công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI này đang ngày một phát triển. Không còn là những gương mặt giả dạng vô tri, ánh mắt vô hồn, mà là những khuôn mặt giống thật đến mức kinh ngạc. Thực tế không ít trường hợp đã bị lừa bằng công nghệ này cũng phải thốt lên rằng DeepFake lừa đảo của năm nay hoàn toàn khác so với năm trước. Nếu kẻ gian dùng DeepFake để qua mặt công nghệ sinh trắc học thì sao?
Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen, thậm chí cả ở những vùng nông thôn thì tình trạng lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản của người dân sẽ ngày càng gia tăng, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Bởi ngày nay lừa đảo qua mạng đã trở thành một "nghề". Do vậy, mỗi cá nhân cần tự xây dựng "tường lửa" cho riêng mình. Tốt nhất, điện thoại của ai người nấy dùng, không quen biết chớ cho ai mượn. Càng không cài bất kỳ phần mềm nào theo lời khuyên của bất kỳ ai nếu không biết rõ.
Ít nhất, với sinh trắc học, dù tài khoản ngân hàng có bị chiếm quyền điều khiển thì số tiền bị mất lớn nhất cũng chỉ 20 triệu đồng trong ngày. Vì lớn hơn số tiền này sẽ phải xác thực khuôn mặt.
Sinh trắc học là công nghệ có thể nói tiên tiến nhất hiện nay. Song cần hiểu rằng DeepFake cũng vậy, cũng là một công nghệ vô cùng hiện đại. Nên cảnh giác không bao giờ thừa.
Theo Báo Hải Dương