Phóng viên: Năm 2021 Việt Nam trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn nhưng xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục: 670 tỉ USD. Bộ trưởng có thể nói thêm về việc này?
+ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Phải khẳng định rằng thành tích ấn tượng ấy là kết quả từ các định hướng đúng đắn, thống nhất, xuyên suốt của trung ương, các quyết sách kịp thời của Quốc hội và các chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong đó có ngành công thương.
Chúng ta dự báo đúng tình hình, kịp thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả và linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là những nỗ lực mở cửa thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản giúp xuất khẩu Việt Nam không chỉ tăng quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu.
Đặc biệt, 670 tỉ USD xuất nhập khẩu ấy còn là kết quả nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân khi công tác ứng phó với dịch COVID-19 năm 2021 không phải lúc nào cũng thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Việc Chính phủ đẩy mạnh và đưa Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, xúc tiến thương mại trên môi trường số và sự đột phá trong hoạt động thương mại điện tử đã trở thành động lực cho khôi phục và phát triển kinh tế. Vì vậy, các khó khăn do dịch COVID-19 gây ra đã từng bước được khắc phục, vượt qua.
Con số 670 tỉ USD đó đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, tạo động lực cho giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa Bộ trưởng?
+ Khó có thể nói hết được những đóng góp của thành tích này đối với việc bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế bắt đầu từ quý IV-2021. Tuy nhiên, phải nói rằng khi Việt Nam năm thứ sáu liên tiếp duy trì xuất siêu thì thành tích này vừa có tính kế thừa, vừa có ý nghĩa rất lớn đối với công tác điều hành kinh tế - xã hội trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Ví dụ: Ở thời điểm tháng 10-2021 khi xuất khẩu được phục hồi sau quá trình giãn cách xã hội tại nhiều địa phương thì cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 2,7 tỉ USD. Kết quả này trở thành động lực để xoay chuyển thương mại nhập siêu cuối quý III-2021 thành xuất siêu 4,1 tỉ USD lúc kết thúc năm 2021.
Điều đó thể hiện sự linh hoạt, chủ động theo đúng tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chúng ta tiếp tục thực hiện tốt “đa dạng hóa thị trường xuất khẩu” với nhiều thị trường đạt kim ngạch từ 5 đến 10 tỉ USD. Chúng ta vẫn tiến hành được các hoạt động xúc tiến thương mại, vẫn giải quyết được ở mức tốt nhất tình trạng ùn tắc hàng hóa, đẩy mạnh logistics để luân chuyển hàng hóa…
Và như tôi khẳng định, ngoài sự điều hành kinh tế - xã hội quyết liệt, sát sao của Chính phủ thì việc doanh nghiệp, người dân đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, thách thức, linh hoạt, chủ động trong sản xuất, kinh doanh là lý do để những kết quả tích cực không chỉ trong xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy.
Thưa Bộ trưởng, phải nói rằng trong đại dịch COVID-19, việc bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt là một điều khá khó khăn…
+ Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng phát biểu tại Quốc hội, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư thì trong lãnh đạo, điều hành, nhất là ở các địa phương có sự “lúng túng” nhất định. Một số nơi đã ban hành các văn bản chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây ách tắc hàng hóa.
Bộ Công Thương đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất về vấn đề này. Và từ những đề xuất ấy, tháng 7-2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Công văn ấy đã tháo gỡ các khó khăn để tất cả các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông (trừ hàng hóa cấm kinh doanh).
Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều đề xuất phải nghiên cứu mà tôi tin rằng những ai quan tâm đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa đều nhận thấy.
Đến nay các vướng mắc trong hoạt động lưu thông hàng hóa đã cơ bản được tháo gỡ; cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, người dân được bảo đảm.
Kết thúc năm 2021, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Theo Bộ trưởng, những điểm nhấn lớn nhất của ngành công thương trong thành tựu chung này là gì?
+ Năm 2021, ngành công thương đã từng bước vượt khó để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao. Ngoài 670 tỉ USD xuất nhập khẩu chúng ta đề cập lúc đầu thì còn có những chỉ số khác cũng ấn tượng không kém.
Có thể kể đến sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng tích cực với mức tăng gần 5%, cao hơn mức tăng trưởng của năm trước, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hàng hóa trước tác động của dịch COVID-19. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực của tăng trưởng với mức tăng 6,37%, đóng góp ước đạt 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ngành điện cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho người dân và doanh nghiệp; ngành dầu khí về đích trước kế hoạch, đóng góp cao nhất cho ngân sách với 75.400 tỉ đồng, vượt 21% kế hoạch, qua đó đóng góp quan trọng cho việc duy trì thành tích tăng trưởng dương của toàn nền kinh tế, ở mức 2,58%.
Đó chỉ là một vài nét chấm phá… Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn. Quan trọng hơn tất cả là tinh thần chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Bộ Công Thương luôn đi đầu trong cắt, giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, xây dựng thể chế và đến nhiệm kỳ này, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu ngành, lĩnh vực phải trực tiếp phụ trách... Bộ trưởng sẽ chỉ đạo xây dựng, cải cách thể chế thế nào?
+ Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành công thương trong thời kỳ mới được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Trong năm 2022, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành với việc tập trung kiện toàn khung chính sách, pháp luật về thương mại phù hợp với các FTA đã ký kết với việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật Thương mại (sửa đổi luật năm 2005).
Các dự luật mới sẽ được chú trọng như Luật Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); hoàn thiện khung chính sách phát triển công nghiệp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Bộ Công Thương cũng sẽ khẩn trương xây dựng trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội cho phép xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Hóa chất (sửa đổi), Xây dựng và trình Quốc hội Luật Dầu khí (sửa đổi).
Mục tiêu của các dự luật này là nhằm ưu tiên phát triển công nghiệp nền tảng để làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; đột phá phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, các quy định đang cản trở quá trình thực hiện; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh có tiếp tục được Bộ Công Thương tiến hành như nhiệm kỳ trước không, thưa Bộ trưởng?
+ Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình phương án cắt giảm các quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 68/2020, trong đó xây dựng phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025.
Các quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân sẽ được cắt bỏ. Tính công khai, minh bạch sẽ được bảo đảm, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được đề cao, phân cấp, phân quyền sẽ được đẩy mạnh.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2022-2025 của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ, bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu… cùng nhiều cải cách thể chế khác.
Vậy chúng ta sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các FTA thế hệ mới như thế nào, thưa Bộ trưởng?
+ Yêu cầu cấp thiết hiện nay là Việt Nam cần tập trung tận dụng các cơ hội của việc tham gia các FTA quan trọng để góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao vị thế đối với các quốc gia thành viên; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn.
Để thực hiện được điều đó thì cần nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới và qua các nền tảng số. Chú trọng quản lý nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong nước sản xuất được để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Một trong những vấn đề nền tảng là cần phải tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Điều đó giúp chúng ta vươn ra thị trường thế giới. Vậy còn thị trường 100 triệu dân trong nước thì sao, thưa Bộ trưởng. Bởi chúng ta thấy 100 triệu dân trong nước dường như là “giải pháp” trong rất nhiều lần nông sản ùn tắc, không xuất khẩu được?
+ Chúng ta phải đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu.
Chúng ta cần phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế; ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Để khai thác và phát triển thương mại nội địa, chúng ta cũng cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng là để mọi người dân thực sự được hưởng thành quả của phát triển mà đất nước đạt được.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!