Nguồn lực để phát triển văn hóa bao gồm nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế; nguồn lực tài chính, nguồn lực đất đai, nguồn lực khu vực công nghệ tổ chức bộ máy; nguồn lực con người tham gia hoạt động văn hóa… Theo các chuyên gia, để phát triển văn hóa, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ, toàn diện các nguồn lực.
Đầy đủ tiền đề
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau 12 năm bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Nghị quyết này, Đảng ta đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết này đã xác định một trong những giải pháp lớn là tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) đã ban hành Nghị quyết: Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục nhấn mạnh giải pháp "Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa" tiếp tục nhấn mạnh: "Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương đương với mức tăng trưởng kinh tế.
Ngày 04 tháng 6 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong Kết luận này, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: "Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế"....
Quốc hội đã bố trí kinh phí đạt mức 1,8 % tổng chi cho ngân sách nhà nước cho ngành văn hóa theo Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004). Nguồn ngân sách văn hóa Nhà nước giao về cho các địa phương cũng được quan tâm (qua báo cáo của 53/63 tỉnh, thành phố đã đạt mức 1,72% tổng chi ngân sách của địa phương)- Báo cáo của Bộ Tài chính
Trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: "Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao". Tổng Bí thư yêu cầu: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa… Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng và xây dựng, phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay".
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, trên cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã chú trọng nâng cao mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa. Chính phủ đã ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý phân cấp, phân quyền để đầu tư nguồn lực cho văn hóa.
"Thực hiện chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa "lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững", trong những năm qua, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí các nguồn lực tài chính đảm bảo thực hiện các chiến lược phát triển văn hóa và chính sách, chế độ của ngành văn hóa"- Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực
Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc tạo nên một bước chuyển biến để phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đây chính là tiền đề chính trị và pháp lý cơ bản để khơi dậy các nguồn lực nhằm phát triển văn hóa và xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách, những độ chênh, thậm chí mâu thuẫn cần khắc phục để tạo nên sự thống nhất, nâng cao hiệu quả thực tiễn của các chính sách này.
PGS.TS Phạm Duy Đức chỉ ra một số bất cập trong công tác đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người như: Việc thể chế quan điểm của Đảng về đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa còn chậm, nhất là thể chế hóa quan điểm "đầu tư cho văn hóa tương đương với mức tăng trưởng kinh tế"; "Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở những nơi còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản"; Việc đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa còn thấp; Nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài trên lĩnh vực văn hóa còn tự phát, tùy vào mỗi địa phương, chưa trở thành chính sách chung của quốc gia; Nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển văn hóa ngày càng gia tăng nhưng phần lớn tập trung vào các công trình phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và một số lĩnh vực văn hóa phục vụ cho mục đích kinh doanh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch gặp khó khăn; Công tác quản lý, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực để phát triển văn hóa còn nhiều bất cập, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí, đất đai, trong việc quản lý và thực thi chính sách, pháp luật, đề án, kế hoạch liên quan đến hoạt động văn hóa ở cơ sở…
Những hạn chế và yếu kém này đã gây nên khoảng cách giữa quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước với thực tiễn tăng cường nguồn lực để phát triển văn hóa ở các cấp, các ngành. Thậm chí, có nơi, có lúc, nguồn lực đầu tư từ Trung ương về địa phương bị cắt giảm. Có địa phương chuyển nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vào khu vực khác, gây khó khăn cho cơ sở, nhất là trong nâng cấp các thiết chế văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở cơ sở. Có địa phương còn tùy tiện trong bố trí cán bộ quản lý văn hóa.
Bộ Tài chính nêu một số giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa. Trong đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công gắn liền với nhu cầu sử dụng, với số lượng, chất lượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước; Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa…
PGS.TS Phạm Huy Đức cho rằng, cần tiếp tục quán triệt Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa. Thể chế hóa đồng bộ quan điểm tăng cường đầu tư cho văn hóa tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển bền vững đất nước, khắc phục quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư chống xuống cấp hay là chỉ là để đảm bảo duy trì phúc lợi xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển lực lượng nòng cốt, chủ đạo để có thể dẫn dắt, truyền cảm hứng, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp tới cộng đồng. Cần rà soát, đánh giá và sắp xếp lại công tác cán bộ làm văn hóa theo đúng tiêu chuẩn mà Ban Tổ chức Trung ương đã quy định.
Chính phủ và các địa phương cần xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, con người gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, coi đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển chung. Tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương đương 2% tổng ngân sách, khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.
PGS.TS Phan Huy Đức cũng chỉ ra, nhà nước xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Khuyến khích thành lập các quỹ văn hóa, quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản; Xây dựng một số công trình văn hóa có trọng điểm; Khuyến khích đầu tư các trung tâm công nghiệp văn hóa tại các địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư cho phát triển văn hóa, con người. Thực hiện công khai, minh bạch từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường hiệu quả của đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa đã được xây dựng./.
Theo Tổ quốc