Viloship- tại sao không?
Nhận thấy hoạt động thương mại điện tử, giao hàng tận nơi đang phát triển mạnh mẽ ở Vĩnh Long. Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng online, nhu cầu giao- nhận hàng càng tăng cao.
Tuy nhiên, cho rằng “các dịch vụ giao- nhận hàng hiện có chưa đáp ứng trọn vẹn nhu cầu phát sinh mới” nên anh Nguyễn Giang Trung Nghĩa (sinh năm 1991, Phường 2- TP Vĩnh Long) cùng cộng sự đã lên ý tưởng về Viloship- dự án xây dựng ứng dụng kết nối nhu cầu giao nhận tức thì ở nội ô TP Vĩnh Long.
Và, chính trong những ngày ở nhà chấp hành giãn cách xã hội, nhóm đã xây dựng hệ thống, tính toán các phương án tạo nên khác biệt cho Viloship…
Từng có thời gian bán hàng và kinh doanh thương mại điện tử ở TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng ít nhiều đến công việc và tạo ra những “khoảng cách đáng sợ” nên anh Nghĩa quyết định trở về quê.
Hiện là Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Long Ecom- Đại lý nhượng quyền (Franchising) thương hiệu chuyển phát nhanh J&T Express tại Vĩnh Long, anh Nghĩa nhận thấy, chỉ trong nội ô TP Vĩnh Long nhưng nếu sử dụng dịch vụ giao- nhận hàng của một số nhà cung cấp hiện có, thì hàng hóa từ điểm cần giao đến điểm nhận mất từ 12- 24 giờ, giá cước trên 20.000 đ/đơn hàng (gói hàng càng nặng, cước phí càng cao).
Trong khi, với dịch vụ thu tiền hộ, các nhà cung cấp thanh toán cho người bán hàng theo tuần hoặc 2- 3 lần/tuần. “Với Viloship, cước phí sẽ rẻ hơn, thời gian giao- nhận hàng rút ngắn hơn, ứng tiền ngay cho người bán, chăm sóc khách hàng cũng dễ dàng hơn…”- anh Nghĩa nói.
Xác định không đối đầu với các “ông lớn” trong mảng giao nhận- hàng mà “mong muốn bổ sung mảng ghép còn thiếu” nên Trung Nghĩa tự tin với con đường đang đi, mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ ngành chức năng, các nhà đầu tư cho việc phát triển ý tưởng vào thực tế.
“Giai đoạn đầu, Viloship sẽ hoàn thiện, phát triển tại TP Vĩnh Long. Sau đó, mở rộng thị trường ra các đô thị lân cận và đi xa hơn…”.
Là người con của Vĩnh Long, anh Nghĩa chia sẻ tâm huyết: “Ngoài kinh doanh, dự án mong muốn là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền tảng công nghệ nhằm thu hút nguồn nhân lực, chất xám trong mảng này”.
Nghĩa cũng muốn lan tỏa khát vọng của người trẻ: “Tuổi trẻ cần dám nghĩ, dám dấn thân, dám chấp nhận thất bại… có kế hoạch để tìm ra con đường cho mình, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà”.
Thất nghiệp vì dịch, về quê khởi nghiệp dưới tán dừa
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn cắt giảm nhân sự. Anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992, quê ở Giồng Trôm- Bến Tre) lúc đó đang là phó giám đốc cho một resort tại Bến Tre, đã bị mất việc.
Nhận thấy xu hướng của du khách có sự thay đổi, muốn tìm đến những miền quê, nơi ít người, tránh xa những ồn ào, đông đúc… Anh quyết định sửa lại căn nhà cấp 4 ở quê thành homestay, bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Homestay với tên gọi Maison du Pays de Bến Tre ra đời vào tháng 1/2021, với 3 chiếc xe đạp, một bàn ăn dành cho 6 khách và 2 phòng ngủ. Thời gian nghỉ dưỡng, khách có thể thong dong tản bộ, thưởng thức nước dừa tươi tại vườn, tự tay hái bưởi, hái rau về làm gỏi, học làm bánh dân gian. Bên cạnh, tham quan Làng bánh phồng Sơn Đốc, Nhà thờ La Mã, đạp xe trên đường quê, xem người dân quăng chài bắt cá, nghe những câu chuyện về dừa… Đồng thời, thưởng thức những món ăn từ sản vật địa phương như: canh chua cá bông lau, tép bạc đất rang nước cốt dừa, cháo cá lóc đồng ăn kèm rau đắng đất hay tôm càng xanh nổ muối hột lá bưởi… Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng, Thịnh mạnh dạn đầu tư thêm một phòng để nâng công suất lên 10 khách, thêm 5 chiếc xe đạp cùng các trang thiết bị khác. Đồng thời, xây dựng chương trình tour ngày càng đa dạng.
Để thêm hài lòng du khách khi đến với homestay, hiện anh đang nâng cấp trang thiết bị, khám phá thêm những cung đường mới. Bên cạnh, xây dựng những buổi học workshop như làm xà bông dừa, vẽ tranh đồng quê, ra đồng cắt cỏ và cho bò ăn, cùng người nông dân nói chuyện nhà nông...
“Tôi mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để du khách nhộn nhịp đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống đồng quê bên những ngôi nhà nép mình nằm dưới tán dừa xanh”- Thịnh nói.
Bên cạnh những ý tưởng, dự án ra đời ngay trong những ngày dịch bệnh thì thời gian qua, nhiều dự án khởi nghiệp đã triển khai cũng tìm cách thích ứng, xoay chuyển lối đi, cho ra đời thêm sản phẩm mới…
Tại vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 7- năm 2021, ông Nguyễn Lâm Viên- CEO Công ty CP Vinamit khi tổng kết đánh giá, các chủ dự án rất bản lĩnh, thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch. Việc họ phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời “ủ mưu” chờ cơ hội phục hồi trở lại khiến ông nể phục.
“Chính niềm lạc quan, hành động nhanh gọn, dứt khoát đã giúp các bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất”- ông nói.
Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, qua những câu chuyện, cho thấy các chủ dự án ngày càng trưởng thành hơn. Điều này một phần là do cả xã hội đang tập trung hỗ trợ cho lực lượng các bạn trẻ khởi nghiệp.
Nguyễn Giang Trung Nghĩa: “Đại dịch gây ra vô vàn khó khăn nhưng không thể ngồi yên chấp nhận mà cần suy nghĩ để tìm cơ hội, làm cái gì đó khác đi- mang lại tiện ích, giá trị cho cộng đồng”.
Quách Duy Thịnh: “Đại dịch COVID-19 cuốn mất công việc, lấy đi những cố gắng của tôi trong nhiều năm. Nhưng đó chính là chất xúc tác đẩy tôi ra khỏi vùng an toàn để bắt đầu hành trình khởi nghiệp, lan tỏa câu chuyện của Ngôi nhà Xứ sở Bến Tre. Muốn bùng cháy với ước mơ của mình thì cứ thử dấn thân. Quyết định khởi nghiệp thì kiên định với con đường đã chọn”.
Tuyết Hiền