Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, đây là thời điểm quan trọng để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, lựa chọn ngành nghề, trường học theo năng lực và sở thích của từng cá nhân. Khởi nguồn cho những tương lai tươi sáng sau 4-5 năm ngồi ghế giảng đường đại học trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.
Công văn số 2598/BGĐT của Bộ GD-ĐT gửi các cơ sở đào tạo (CSĐT) và các Sở GD-ĐT nêu rõ: Từ ngày 22/7 đến 17h00 ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần và chỉ thực hiện trong 1 đợt. Từ ngày 21/8 đến 17h00 ngày 28/8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các CSĐT trên đề án tuyển sinh và thực hiện các quy định của CSĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển. Thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, những chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện; và cần khai báo đầy đủ, bảo đảm tính chính xác của tất cả thông tin đăng ký dự tuyển, kể cả thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Điều băn khoăn nhất hiện nay của nhiều em học sinh và nhiều gia đình sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT là làm sao để có thể điều chỉnh, chọn lựa được một trường đại học uy tín, chất lượng đào tạo tốt, phù hợp với năng lực và sở thích của thí sinh, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, việc đầu tiên mà các thí sinh cần phải quan tâm trong các bước điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, đó là phải chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực của bản thân, không nên chọn trường, chọn ngành có yêu cầu quá cao hoặc quá thấp so với lực học và kết quả thi tốt nghiệp của mình. Ngành học mà thí sinh lựa chọn phải là ngành học mà mình yêu thích, bởi có đam mê mới có sự tư tin để theo học 4-5 năm đại học, mới có sự tự tin gắn bó với ngành đã chọn và cống hiến sau khi ra trường.
Với những tiện ích của internet, thí sinh sẽ dễ dàng tìm kiếm các thông tin về ngành nghề, về trường đại học mà mình lựa chọn; kể cả các thông tin về thư viện của trường, các môn thể thao, hoạt động ngoại khóa ngoài trời, hay các câu lạc bộ của trường… để giúp thí sinh phát triển thêm về tố chất, nâng cao hiệu quả học tập và tự tin, năng động hơn ngay trong thời kỳ sinh viên.
Áp lực trong điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, quá lo lắng, căng thẳng khi lựa chọn lại ngành, lại trường cũng dẫn tới xác suất điều chỉnh sai rất cao. Ngoài ra, lỗi sai khi chọn ngành, chọn trường còn đến từ áp lực của các bậc phụ huynh đặt lên lứa tuổi mới chập chững vào đời.
Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh đang phải chọn lựa ngành nghề theo ước mơ của cha mẹ, theo trào lưu hoặc theo tâm lý đám đông. Sự khác biệt về thế hệ, về học lực, về niềm tin và mong ước… làm cho nhiều thí sinh bị phân tâm. Câu trả lời phù hợp với năng lực học tập, với sự yêu thích ngành nghề của thí sinh hay không, phần lớn không đến từ những áp lực của cha mẹ hay từ tâm lý đám đông. Các bậc phụ huynh nên là một người bạn đồng hành với thí sinh trong giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, nên ủng hộ thí sinh thực hiện những điều mình mong muốn và nhất là việc tôn trọng sự lựa chọn của con em mình.
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, xác định lại tương lai ngành nghề trước ngưỡng cửa đại học là một bước đi quan trọng. Đòi hỏi mỗi thí sinh cần tự đánh giá đúng bản thân, căn cứ vào học lực, sự yêu thích ngành nghề để tự tin chọn lựa đúng trường, đúng ngành và phát huy được động lực phát triển trong tương lai./.
Theo Báo BRVT