Những “trái ngọt” sinh sôi
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh đã có 85/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2022, nhân dân Lạng Sơn đã hiến hơn 55.900 m2 đất, đóng góp trên 18 tỷ đồng, 115.844 ngày công để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng; tạo việc làm mới cho trên 17.000 lao động; trên 1.580 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa; công nhận 82 thôn biên giới đạt chuẩn nông thôn mới…
Ngoài việc được thụ hưởng từ sự phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, người dân còn được tiếp cận những chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đơn cử là vào năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xây dựng hướng dẫn các địa phương lựa chọn mô hình phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã được thực hiện có hiệu quả, gắn với việc xác định sản phẩm chủ lực, có thế mạnh.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Ngôn cho hay, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã vận động được nông dân tham gia thực hiện những tiêu chí do nhân dân thực hiện là thu nhập, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, xây dựng công trình phúc lợi cộng đồng…
Năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ gần 20 tỷ đồng cho 29 mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn các xã. Những mô hình phát triển kinh tế cao như: nuôi cá nước ngọt của Hợp tác xã Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn; Chuỗi giá trị sản phẩm gia cầm của Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Lộc Bình; Chuỗi giá trị Na Chi Lăng của Hợp tác xã nông sản Chi Lăng, huyện Chi Lăng; Chuỗi giá trị Lúa J02 của Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng… được xây dựng và hoạt động hiệu quả đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Lạng Sơn.
Nông dân Mã Văn Lét (thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) chia sẻ, gia đình có vườn na rộng với trên 2.000 cây cho thu nhập đều 1 năm 2 vụ, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như đẩy mạnh tiêu hỗ trợ thụ sản phẩm nông nghiệp qua các chương trình, trong đó có chương trình nông thôn mới nên đời sống đời sống kinh tế, văn hóa của gia đình và các hộ dân khác trong xã đã không ngừng được cải thiện.
Chính từ những mô hình kinh tế này, vấn đề việc làm cho lao động nông thôn được giải quyết. Đến nay, 100% số xã của Lạng Sơn đạt tiêu chí lao động có việc làm, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 9,27%.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2025 là 118/181 xã (chiếm 65%). Đến hết năm 2025, phấn đấu bình quân 1 xã trên địa bàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí, không có xã dưới 15 tiêu chí; xây dựng được 35 xã nông thôn mới nâng cao…
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Lạng Sơn đã có kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí xây dựng, đồng thời tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Hoàng Văn Hưng, đại diện Hợp tác xã Hoa đào Bản Cao (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ, Hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng hoa đào cảnh. Năm 2020, Hợp tác xã được Nhà nước hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc theo Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định cho Hợp tác xã. Thời gian tới, ông mong muốn Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng sản xuất, cũng như để tạo dựng mối liên kết, chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hồ Tiến Thiệu cho hay, tỉnh tiếp tục ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2022-2025. Cụ thể như Bộ tiêu chí về nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2022-2025; quy chế quản lý và quy chế phối hợp các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025; ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025. Tỉnh rà soát, xây dựng, ban hành các chính sách thực hiện Chương trình giai đoạn 2022-2025 theo định hướng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…
Các huyện biên giới xây dựng kế hoạch và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các thôn biên giới phấn đấu đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó quan tâm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Cùng đó là tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội để giảm nghèo ở các xã, thôn biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao; lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục xây dựng, phát động và hưởng ứng phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác truyền thông nông thôn mới theo hướng thiết thực; phát huy và nhân rộng mô hình “Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng nông thôn mới”, lấy thay đổi tư duy, nếp sống, nâng cao vai trò chủ thể của người dân làm mục tiêu; thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới.
Nguồn TTXVN