Không còn là “túi nghèo”
“Vùng đất U Minh nay đã nhiều thay đổi, không còn là “túi nghèo” của tỉnh Cà Mau như trước. Hiện đời sống người dân trong các lâm phần đã khấm khá hơn, nhiều người vươn lên giàu có trên chính mảnh đất của mình”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu chia vui trong những ngày cận tết.
Để chứng minh điều mình vừa nói, ông Trần Văn Hiếu dẫn số liệu về hộ nghèo của UBND huyện U Minh. Theo đó, đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện chỉ còn 641 hộ nghèo (chiếm 2,46%), 507 hộ cận nghèo (chiếm 1,95%). Tính chung trong 5 năm qua, huyện U Minh giảm được 18,85% hộ nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,71%/năm. Đây là con số rất ấn tượng.
Theo ông Hiếu, trước đây cuộc sống của người dân trong lâm phần còn khó khăn, nhiều hộ có đất từ 5-7ha mà vẫn nghèo, làm không đủ ăn. Nguyên nhân bởi chu kỳ khai thác rừng còn dài, giá cây tràm lại xuống thấp nhiều năm, nên người dân bỏ bê, không mặn mà chăm sóc rừng; từ đó dẫn đến tình trạng cháy rừng vào mùa khô diễn ra thường xuyên.
Cụm công nghiệp trọng điểm quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An. Ảnh: Báo Đất Mũi
Hiện nay mọi việc đã khác nhiều, các hộ không còn để đất rừng trống hoặc bỏ hoang. Đa số diện tích đất rừng sản xuất tại U Minh được người dân kê liếp trồng thâm canh. Ngoài cây tràm bản địa vẫn được duy trì, người dân chuyển đổi trồng tràm Úc, keo lai… nhằm rút ngắn chu kỳ khai thác, nâng chất lượng và sản lượng. Ngoài trồng rừng thâm canh trên diện tích đất lâm nghiệp (theo tỷ lệ 3/7, trong đó 7 phần là rừng) người dân còn trồng xen canh cây ăn trái, nuôi cá đồng, gác kèo ong… theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ đó, kinh tế rừng tại U Minh ngày càng phát triển bền vững, nâng cao giá trị. Theo tính toán, nếu trồng keo lai từ 4-5 năm khai thác thì thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, còn trồng khoảng 7 năm khai thác thì thu nhập có thể tăng lên 350 - 400 triệu đồng/ha. Đối với trồng keo lai, người dân phải lựa chọn cây giống tốt và quan tâm chăm sóc, để rừng phát triển tốt, cho sản lượng cao.
Là một trong những hộ thoát nghèo ở các lâm phần, bà Ngô Thị Phường (ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh) cho biết, từ khi về sống dưới tán rừng tràm U Minh năm 1997, gia đình bà trải qua một thời gian dài thuộc diện “nghèo bền vững”. Dù khó khăn trăm bề, gia đình bà vẫn cố bám trụ, kiên trì canh tác.
Dần dần, đất U Minh cũng cho quả ngọt, cuộc sống gia đình bà Phường nay đã tốt hơn. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương quy hoạch và phát triển kinh tế rừng, đã giúp đời sống của người dân U Minh thay đổi tích cực, không còn cảnh đói. Đặc biệt, U Minh bây giờ không còn là “túi nghèo” của tỉnh Cà Mau như trước.
“Ngày xưa người dân sống ở lâm phần U Minh không dám mơ đến thu nhập tiền tỷ, nay điều này đã nằm trong tầm tay. Do cây rừng ngày càng có giá trị, kinh tế rừng phát triển nên người dân quan tâm chăm sóc và bảo vệ. Vì thế, tình trạng cháy rừng vào mùa khô đã giảm hẳn, có năm không xảy ra vụ cháy nào”, ông Trần Văn Hiếu chia sẻ.
Hướng đến huyện nông thôn mới
Vùng đất U Minh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là cụm công nghiệp khí - điện - đạm mọc lên ở khu vực ngã ba sông Cái Tàu. Công trình này đang ngày đêm hoạt động, đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ huyện U Minh mà cả tỉnh Cà Mau. Hàng năm, cụm công nghiệp khí - điện - đạm đã góp vào ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, chiếm từ 30%-40% tổng thu ngân sách của tỉnh Cà Mau. Có thể nói, cụm công nghiệp khí - điện - đạm đã “thắp sáng” cả vùng đất U Minh.
Sự thay đổi ở vùng đất U Minh không chỉ có vẻ bên ngoài mà còn bên trong, sau những cánh rừng tràm. Đi len lỏi qua các con đường nông thôn tại lâm phần các xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Thuận… không còn thấy cảnh nhà nhà thắp đèn dầu như trước, bởi điện đã kéo về cơ bản phủ các lâm phần, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Rồi nhiều ngôi nhà tường khang trang đã mọc lên nơi đây. Không những thế, trong các lâm phần, đường thủy và đường bộ được đầu tư dần hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển lâm sản, nông sản. Hiện nhiều sản phẩm từ rừng U Minh như mật ong, chuối, gỗ… không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Khánh thành cầu giao thông nông thôn trên địa bàn xã Khánh Hòa, huyện U Minh. Ảnh: internet
Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, thời gian qua, kinh tế - xã hội địa phương có bước phát triển đáng kể. Nhờ kinh tế - xã hội được nâng cao, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và chăm lo cho người nghèo được quan tâm tốt hơn; đồng thời địa phương thực hiện tốt chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn... Diện mạo nông thôn U Minh đã có nhiều đổi mới, khởi sắc, nhiều công trình, dự án cầu, lộ giao thông đã hoàn thành nối liền huyện - xã, xã - ấp… tạo sự thông thoáng cho giao thương, đi lại của người dân.
“Chúng tôi đang tập trung xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất, toàn diện, chú trọng chất lượng; huy động các nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân... Phấn đấu đến năm 2025, huyện U Minh đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ông Liêm bộc bạch./.