Cơ cấu xuất, nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023. Nguồn: TCTK
Bình thường, mỗi tháng Tập đoàn Long Sơn xuất khẩu 2.000 tấn điều sang thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sau khi các thị trường này “ảm đạm”, doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường ngách Trung Đông, giúp duy trì nguồn thu.
Cái khó ló cái khôn, Công ty TNHH Vinahe, nhà chế biến điều tiếng tăm ở Bình Phước đã tận dụng sản phẩm lỗi để tạo ra phân khúc giá rẻ, đi kèm với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, phù hợp với túi tiền vơi đi của người tiêu dùng trong bối cảnh khủng hoảng.
Ở phương diện khác, ngày 13/6 Startup Cà Mèn với sản phẩm cháo bột cá lóc (đóng gói) Quảng Trị của Nguyễn Đức Nhật Thuận đã ký kết phân phối độc quyền tại thị trường Mỹ, doanh số mỗi năm hàng triệu sản phẩm, một hướng đi độc đáo trong khi hàng tiêu dùng ế ẩm.
Tất cả đã chứng minh, doanh nghiệp và doanh nhân Việt luôn sở hữu nội lực mạnh mẽ trong lúc khó khăn. Đúng như đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: “năng lực sản xuất của doanh nghiệp hiện đang rất tốt, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay đứt gãy nguồn cung nguyên liệu”.
Nhưng tự thân doanh nghiệp thì chưa đủ, nếu nhà nước đảm trách tốt hơn nhiệm vụ “bà đỡ” thì doanh nghiệp nhẹ gánh để đi nhanh và xa hơn trên con đường chinh phục thị trường quốc tế. Để chuyển hướng thị trường, cần phải nắm rõ thông tin của thị trường ấy, gồm dung lượng, văn hóa tiêu dùng, quy định tiêu chuẩn… thông qua Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hoặc cộng đồng doanh nghiệp sở tại.
Khai thác tốt hơn các FTAs, thực tế là giữa lý thuyết Hiệp định đến thị trường hàng hóa còn khoảng cách rất xa - là phần việc mà cơ quan hữu quan cần quyết liệt vào cuộc mở đường cho doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, đơn đặt hàng giảm. Để thúc đẩy xuất khẩu, một mặt phải tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn để làm sao các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính chống đỡ khó khăn, đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới và khu vực để duy trì, đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn phải tăng cường công tác dự báo trong lĩnh vực xuất khẩu để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.