Theo Bộ NN-PTNT, nhu cầu tiêu thụ muối ở nước ta vào khoảng 1,5-1,6 triệu tấn mỗi năm, nhưng sức sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là muối ăn. Còn muối cho công nghiệp và y tế thì vẫn phải nhập khẩu, do sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và sức cạnh tranh về giá. Đề án phát triển ngành muối của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối cả nước là 14.500ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm, đến năm 2030 đạt diện tích 14.244ha, sản lượng 2 triệu tấn/năm.
Để đạt mục tiêu này, cần đầu tư phát triển sản xuất muối gắn với chế biến và thị trường; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm, khôi phục, bảo tồn, phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống và đa dạng hóa các sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn tại các địa phương.
Đồng thời, để tạo ra “không gian phát triển” nghề muối, cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành muối, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và tích hợp các giá trị từ du lịch, dịch vụ; cần có sự tiếp cận đa ngành và phối hợp liên ngành.
Festival muối Bạc Liêu lần đầu tiên sẽ được tổ chức trong năm 2024 cũng là một cách tiếp cận mới để gia tăng chuỗi giá trị hạt muối. Sự kiện này được kỳ vọng không chỉ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng; xúc tiến đầu tư thương mại, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối, mà còn tích hợp đa giá trị, gắn với thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến thủy sản, xây dựng làng muối Bạc Liêu trở thành điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm phong phú, khác biệt, đóng góp vào ngành công nghiệp văn hóa.
Nguồn SGGP