Việc này cũng không xa lạ gì, bởi khán giả đã “ngán đến chán” số lượng và chất lượng các cuộc thi nhan sắc trong nước và người đẹp nào đăng quang ít nhiều cũng vướng ồn ào.
Tạm gọi chiếc vương miện trên đầu là đỉnh vinh quang mà người đẹp đã nỗ lực, nhưng khi ở đỉnh cao cô gái trẻ lại không thuyết phục được công chúng bởi liên tiếp có những phát ngôn khó chấp nhận được. Đám đông chưa chắc đúng, nhưng không phải ngẫu nhiên nhiều người lại bày tỏ thái độ thẳng thừng. Bởi chỉ đẹp thôi, chắc chắn không đủ với “sức nặng” của chiếc vương miện trên đầu.
Ồn ào “vạ miệng” của người đẹp từ các cuộc thi nhan sắc, thấy rõ kỹ năng ứng xử còn quá ngây ngô ở một bộ phận người trẻ hiện nay, nhanh nhạy với mạng xã hội nhưng lại thiếu tinh tế khi ứng xử thực tế. Thiếu sót chủ quan đã thấy rõ, nhưng khách quan cũng có muôn vàn lý do dẫn đến mức một bộ phận công chúng yêu cầu người đẹp phải trả vương miện ngay lập tức.
Để đẩy nhanh độ phủ sóng của các cuộc thi nhan sắc và người đẹp, phải có một ê kíp truyền thông bài bản của ngành công nghiệp giải trí. Hoạt động của người đẹp trước - trong - sau cuộc thi luôn có đội ngũ liên tục đẩy hình ảnh, video, bài viết lên các phương tiện truyền thông, nhất là nền tảng số và mạng xã hội. Tham gia các hoạt động cộng đồng, chương trình thực tế, ghi hình phỏng vấn… sau đăng quang, đều có sẵn kịch bản, tính toán đăng nội dung ở kênh nào, video sẽ phát ở đâu, livestream (phát trực tiếp) thực hiện ở kênh nào… Bằng mọi cách, nội dung luôn được đẩy lên tốp đầu trên tất cả các nền tảng và nếu chưa kịp lên xu hướng, cũng sẽ có đội ngũ “cày lượt xem” để hình ảnh, clip nằm trong nhóm được tìm kiếm hàng đầu trên các trang trực tuyến.
Trong tích tắc, video hoa hậu trả lời thử thách câu hỏi vui trong một buổi giao lưu sau đăng quang đã có vài triệu lượt người xem, “vạ miệng” cũng từ đây mà nặng nề hơn với tốc độ chia sẻ nhanh chóng mặt. “Té nước theo mưa”, nhiều trang tin trực tuyến cố tình cắt cúp video thật ngắn gọn, để mọi búa rìu dư luận “ném” thẳng vào tân hoa hậu, còn chủ trang tin đủng đỉnh đếm lượt xem vì bắt đúng nội dung mà dư luận đang quan tâm.
Nếu báo chí truyền thống, chịu sự quản lý từ cơ quan chức năng, mọi thông tin, hình ảnh nếu xảy ra sơ sót, tờ báo phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhưng trang tin điện tử, fanpage từ các công ty giải trí, truyền thông lại khác, chỉ cần bắt đúng “mạch” của dư luận, thì lượt xem lên đỉnh và nhân vật “vạ miệng” sẽ gánh toàn bộ “gạch đá” từ dư luận. Thậm chí, để chiều theo thị hiếu đám đông, câu chuyện càng đẩy đi xa càng tốt, gia đình, bạn bè, quê quán của người đẹp đang vướng ồn ào cũng bị lôi vào cuộc. 3 phút một bài đăng nhỏ, 5 phút một bài viết phân tích sâu, cứ thế mà dồn người ta vào bước đường cùng như ngôn ngữ của cộng đồng mạng - “thở thôi cũng có chuyện để nói”.
Và cách để xóa vết của các trang tin, fanpage kiểu này cũng không có gì quá khó, hết vui thì mình xóa hoặc ẩn bài và tiếp tục chạy theo các sự kiện khác. Sóng sau xô sóng trước, người kiếm tiền từ các nền tảng số, mạng xã hội cứ thế mà nhận về lượt xem “khủng”, đồng nghĩa tiền từ lượt xem, hoa hồng quảng cáo cũng tăng vọt, còn “gạch đá” thì người trong cuộc tự chịu.
Truyền thông trong đời sống thời 4.0 gần như là bí kíp để xây dựng thương hiệu, định vị bản thân/doanh nghiệp… trong đời sống số. Và cách kiếm tiền trực tuyến cũng không phải dễ, người ta dày công xây dựng con số triệu lượt xem, triệu lượt theo dõi thì mới có thể “gặt được lúa”. Tuy nhiên, giá trị hay trị giá có được do “đạp lên” người khác thì đường dài chắc chắn cũng không bền và rồi sẽ phải gặt lấy hậu quả do mình tạo ra./.
Nguồn SGGP