1. Các DNNN là chủ thể kinh doanh; đồng thời, là lực lượng kinh tế nòng cốt do Nhà nước sử dụng khi tham gia vào các hoạt động kinh tế. Vai trò của DNNN thể hiện trên 3 mặt sau:
Về mặt kinh tế
Một là, giúp khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường và khu vực tư nhân. Đây là vai trò chủ yếu và rất quan trọng của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bởi những khuyết tật của kinh tế thị trường gây thiệt hại chung cho lợi ích xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không bảo đảm được cơ cấu kinh tế hợp lý.
Hai là, đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp quốc phòng, Viettel, VNPT và MobiFone là các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt; đã đầu tư công nghệ tiên tiến và có hệ thống quản trị hiện đại. Riêng Viettel là đơn vị hàng đầu có thế mạnh về R&D, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, EVN và PVN là các tập đoàn nhà nước lớn có thể mạnh trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; đặc biệt PVN có nguồn Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và hệ thống cơ sở dữ liệu biển. Trong lĩnh vực cảng biển và logistics, Tổng công ty Tân Cảng (thuộc Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn trong việc quản lý, khai thác các cảng biển, cảng cạn; depot với các cảng lớn (Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép, cảng quốc tế Cam Ranh...), kết nối các cụm cảng, hình thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, VietinBank, BIDV và Vietcombank là những doanh nghiệp nhà nước lớn với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lần lượt là 64,46%; 80,99% và 74,8%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước còn tham gia vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chính là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng giúp tạo cơ sở nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về mặt chính trị:
Một là, DNNN nắm giữ những ngành đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh như sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh…
Hai là, tham gia chiếm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để chủ động định hướng xã hội, làm đối trọng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, chẳng hạn như: buôn bán lương thực, xăng dầu; sản xuất điện; khai thác khoáng sản quan trọng; một số sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin; bảo trì đường sắt, sân bay…
Về mặt xã hội:
DNNN có vai trò quan trọng tại các khu vực biên giới, biển, đảo; tích cực tham gia thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo; mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, thông qua hoạt động đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn; trường học, trạm y tế xã; xây dựng nhà cho người nghèo; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tôn tạo tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; phát thuốc miễn phí cho người dân.
Mặc dù có vai trò quan trọng, là lực lượng vật chất nòng cốt trong nền kinh tế, tuy nhiên, trong thời gian qua, khu vực DNNN tại Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Cụ thể là: 1) Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn hạn chế. Năm 2018, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của khu vực DNNN đạt 2%, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,6% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8%. 2) Nhiều DNNN chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị; thoái vốn, cổ phần hoá DNNN còn gặp vướng mắc cả về thể chế và tổ chức thực hiện. 3) Trình độ kỹ thuật, công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn tương đối lạc hậu; 4) Năng lực cạnh tranh còn yếu.
2. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đã chứng minh, phát huy vai trò của DNNN góp phần quan trọng thúc đẩy “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện". Đây là điều không thể xuyên tạc, phủ nhận. Để nâng cao vị trí, vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn tới nhằm chống lại những luận điệu xuyên tạc, hạ thấp vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, cơ cấu lại DNNN theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; lành mạnh hoá tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
Ba là, đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương, bổ sung vốn điều lệ cho DNNN then chốt quốc gia.
Bốn là, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Trong thời gian tới, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động./.
MQ