1. Tính đúng đắn của sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội
Tổng Bí thư đưa ra cách tiếp cận về chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm là: “chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”. Đồng thời, đưa ra các dẫn chứng so sánh bản chất giữa chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa với chủ nghĩa xã hội. Với quan điểm khách quan, toàn diện của chủ nghĩa Mác - Lênin, tác phẩm không phủ nhận mà khẳng định các giá trị, vai trò của của chủ nghĩa tư bản đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại, nhất là những thành tựu to lớn trong giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ, phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó do đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa là lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đây là nguyên nhân dẫn đến các khủng hoảng kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái; những bất công xã hội; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn...
Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển, đã chứng minh các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; hệ thống quyền lực ở các nước tư bản chủ nghĩa vẫn chủ yếu thuộc về giai cấp tư sản (thiểu số giàu có) và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản và quyền lực của nhân dân lao động thực sự không có.
Những hạn chế trên của chủ nghĩa tư bản cho thấy đây không phải là mô hình xã hội ưu việt mà nhân loại và Việt Nam cần hướng tới. Tác phẩm khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên... Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đó chính là những giá trị ưu việt, tiến bộ, đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi, đồng thời phù hợp với ý chí, nguyện vọng và mong ước của nhân loại. Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là yêu cầu khách quan, con đường tất yếu, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế tiến bộ của thời đại ngày nay. Tác phẩm cũng chỉ rõ, việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”. Đây là những lý giải sâu sắc vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Đánh giá tổng thể, toàn diện về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
“Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thực tiễn đã chứng minh sự lựa chọn và kiên định con đường đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn, từ những thắng lợi vĩ đại của công cuộc đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc đến thực hiện thành công con đường đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.Những thành tựu đó là một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ, của toàn đảng, toàn dân. Các mục tiêu, quan điểm và định hướng quan trọng trong xây dựng đất nước mà tác phẩm cũng đưa ra trong thời gian tới là kết quả của quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc, hoàn thiện và đúng đắn hơn của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng đối với mọi thành công của cách mạng Việt Nam.
3. Làm sáng tỏ cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta
Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tập hợp các thành tố cơ bản gồm: Đảng Cộng sản, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.
Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ ra những cơ sở khoa học, khách quan và yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong tình hình mới. Để hệ thống chính trị tiếp tục vận hành hiệu lực, hiệu quả, trước hết cần tập trung ba lĩnh vực cơ bản, trọng yếu, mang tính đột phá là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là cấp thiết hàng đầu. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị này với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”.
Đảng lãnh đạo là đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại. Nhà nước quản lý là thể chế hóa, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, biến nó thành hiện thực. Nhân dân làm chủ là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do mình làm ra. Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa là xây dựng một chế độ “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội”.
Quốc hội tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng tại Đại hội XIII của Đảng đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, để phát huy cao nhất vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới, thiết thực hiệu quả để tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.
Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội. Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều chỉ đạo đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị ở nước ta trong tình hình mới.
Với các luận cứ lý luận khoa học và minh chứng thực tiễn sinh động, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
N.D.A