Nhận diện
Trong những năm gần đây, lợi dụng công cuộc đấu tranh của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các thế lực thù địch đã ra sức tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, tập trung chủ yếu vào những vấn đề như sau:
Thứ nhất, khi những vụ “đại án” được phát hiện, xử lý, các thành phần thù địch lại cố ý xuyên tạc, đánh đồng công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng với việc thanh trừng, đấu đá nội bộ, nhóm lợi ích. Họ cố tình quy chụp đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng Cộng sản lãnh đạo”, đưa ra khuyến nghị hết sức phản động: cần thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Thực chất của những quy chụp, cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, công tác cán bộ của Đảng là nhằm cố tình bôi đen, phủ nhận sạch trơn đóng góp của đội ngũ cán bộ, gây nhiễu loạn nhận thức, tư tưởng, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận, chỉ thấy mặt tiêu cực, mặt thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó làm tiền đề thúc đẩy những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, từ một số vụ, việc xử lý kỷ luật Đảng đối với một số cán bộ, đảng viên vi phạm, lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội, chúng đã viết bài, thực hiện các video, phóng sự mà trong đó dàn dựng phỏng vấn các nhân vật được cho là người dân, nhà báo, nhà văn, thậm chí là giáo sư, tiến sĩ nào đó, có uy tín đang sống trong nước, ngoài nước để bình luận xuyên tạc về vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, do có những vi phạm nghiêm trọng diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, thì trên các trang mạng xã hội phản động đã dẫn ý kiến của người gọi là “nhà quan sát độc lập cho rằng Ủy ban kiểm tra Trung ương thường được dùng để kỷ luật, bãi miễn, khai trừ những thành phần mà Đảng cho là thoái hóa, có phát biểu không có lợi cho Đảng”, là hành động “đốt lò trí thức tâm huyết”.
Thứ ba, khi Đảng ban hành các quy định trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, chúng cố tình bóp méo, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được ban hành ngày 7/12/2017, trên không gian mạng đã có những bài viết chỉ trích, bình luận cố ý hiểu sai lệch, xuyên tạc là sự “xung khắc nội bộ” về “xã hội dân sự”, rằng những đảng viên nào đòi thực hiện “thể chế xã hội dân sự”, “thể chế tam quyền phân lập” và “đa nguyên đa đảng” sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định “Về những điều đảng viên không được làm”, các trang mạng chống cộng điên cuồng xuyên tạc, công kích chế độ, nhạo báng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm Hiến pháp.
Những luận điệu xuyên tạc về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã tạo ra diễn biến tư tưởng không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Do đó, cần tỉnh táo, sáng suốt nhận diện những âm mưu, thủ đoạn phản động; đồng thời đưa ra luận cứ lý luận và thực tiễn sắc bén đấu tranh phản bác.
Phản bác những luận điệu sai trái
Trong mọi thời kỳ cách mạng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng luôn là phương thức, chức năng lãnh đạo của Đảng. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm sau cách mạng, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người khẳng định: Lãnh đạo đúng nghĩa là: Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Phải tổ chức sự kiểm soát đúng… Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”.
Là Đảng cầm quyền, nên những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định những thắng lợi và thành tựu trong thời gian qua. Tuy nhiên, trình độ, kiến thức, năng lực lãnh đạo của Đảng có mặt chưa theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ. Trong khi đó, “năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp”, “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Do đó, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, Đảng phải đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Đảng đã ban hành quy định có liên quan. Đó là một hệ thống chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm trong Đảng, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực khác, đồng thời, cũng là khuôn khổ của việc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Do đó, các quy định như quy định Quy định số 37-QĐ/TW, Quy định số 22-QĐ/TW… giúp đảng viên nâng cao ý thức tự giác nêu gương đồng thời giúp cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, chi bộ kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện.
Trong những năm gần đây, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã có nhiều bước tiến quan trọng. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp, đặc biệt là Ủy ban kiểm tra Trung ương đã chủ động kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, như: Kiểm tra về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó, đã xử lý kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng, có nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng. Những kết quả toàn diện chứng minh công tác kiểm tra của Đảng là không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.
Vì thế, những ý đồ cố tình xuyên tạc công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là kiểu “độc đoán”, “đấu đá nội bộ”, “vi phạm nhân quyền”... đều là âm mưu thâm độc của những kẻ phản động, cơ hội chính trị.
Hiện nay, Đảng tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, khẳng định nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, coi trọng nâng cao khả năng dự báo về những hàhn vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm. Đó cũng là cách tăng cường sức mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, củng cố niềm tin tưởng của nhân dân vào Đảng./.
Q,M