Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là: né tránh, đùn đẩy công việc; sợ sai, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; cán bộ lãnh đạo không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng.
Thực tế thời gian qua, trong bộ máy của hệ thống chính trị đang diễn ra tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, không dám làm, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng này diễn ra ở cả các cơ quan cấp Trung ương và địa phương, làm cho công việc trì trệ, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp.
Sợ trách nhiệm đã trở thành “căn bệnh” trong một bộ phận cán bộ, công chức. Cho dù Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị đã có chỉ đạo, Chính phủ đã triển khai thực hiện các biện pháp để khắc phục, chữa trị căn bệnh này nhưng nó chỉ giảm phần nào.
Căn bệnh này vẫn chưa được cắt bỏ là do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ yếu là do cá nhân chủ nghĩa, vì luôn tính toán cho lợi ích cá nhân mà thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đương đầu với khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, không dám đổi mới. Đặc biệt, hậu quả sai lầm của công tác cán bộ những năm trước đây để cho tệ chạy chức, chạy quyền diễn ra, làm cho một bộ phận cán bộ có trình độ năng lực thấp kém vẫn ngồi vào những vị trí lãnh đạo các cấp. Số cán bộ này không có kiến thức thực chất, do đó không dám quyết đoán, quyết định, sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm.
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, là sự tiếp nối quyết tâm của Đảng ta trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 5 chuẩn mực đạo đức của quy định này tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong tiêu chí người cán bộ, đảng viên, nếu thiếu bất kỳ tiêu chí nào thì không thể là cán bộ, đảng viên, không đủ tư cách để làm công bộc của nhân dân.
Trong 5 chuẩn mực đạo đức thì chuẩn mực thứ 3 “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là trung tâm, chi phối các chuẩn mực khác. Sinh thời Bác Hồ coi cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức để hình thành 1 con người. Có cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì: mới yêu nước; mới hết mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta; sẽ đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Đồng thời sẽ luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; sẽ sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; sẽ nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật và gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện, học tập suốt đời. Do đó mới có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì nước, vì dân.
Có thể khẳng định, Quy định 144 của Bộ Chính trị là bước đi cụ thể hóa kỷ cương của Đảng trong việc rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Đây là phương thuốc hữu hiệu để chữa trị tận gốc "bệnh" sợ trách nhiệm đang hiện hữu trong bộ máy của hệ thống chính trị, trong đội ngũ cán bộ, công chức. Cấp ủy các cấp cần tổ chức học tập, quán triệt, có chương trình hành động cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Quy định 144 một cách thường xuyên, đầy đủ, có hiệu quả.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm tự soi lại mình xem có còn đủ tiêu chuẩn là cán bộ, đảng viện hay không, nếu tay đã nhúng chàm, không còn đủ tiêu chuẩn thì xin từ chức. Nếu còn đủ tiêu chuẩn hoặc còn khiếm điểm nhỏ thì tự răn mình mỗi ngày, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, không để lợi ích vật chất, vụ lợi, tham nhũng, suy thoái làm hư hỏng mình. Triệt để thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, mưu cầu lợi ích cá nhân, làm giàu bất chính.
Theo Báo Hải Dương