Tỷ lệ ban hành chính sách phát triển theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) ở Việt Nam còn khá thấp. Ảnh minh họa: DNCC
Thế khó của các khu công nghiệp
Cả nước có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập tính đến ngày 20-2-2024, gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900 hecta. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89.200 hecta.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92.200 hecta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.100 hecta và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37.500 hecta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26.100 hecta. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51.300 hecta, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.
Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường – tương tỷ lệ khoảng 91,3%.
Với quy mô trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá hệ thống KCN và KKT đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia phát triển quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đề ra những tiêu chuẩn mới liên quan đến chuỗi cung ứng, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng… thì tỷ lệ ban hành chính sách phát triển theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) ở Việt Nam còn khá thấp.
Cụ thể, chỉ 39% số KCN tham gia khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.
Ngoài ra, có 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Từ phía góc độ nhà phát triển bất động sản công nghiệp, bà Trần Thị Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, cho biết việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển còn nhiều khó khăn do nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.
Chẳng hạn, Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái đã đưa ra một chỉ tiêu cụ thể. Đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn, nhưng quy định này lại không cụ thể thế nào là sạch hơn hay như thế nào là sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Trong khi đó, để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền.
“Việc không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan nêu vấn đề tại một điễn đàn về thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam.
Cũng theo bà Loan, với yêu cầu sử dụng hiệu quả tài nguyên thì cần tái sử dụng tài nguyên. Nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư cho thấy bản thân KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế đến, do quy định pháp luật về việc KCN có được thu hút các ngành nghề đó hay không.
“Nếu thu hút, thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó”, bà Loan nói.
Với vấn đề xử lý nước thải, hiện toàn bộ nước thải đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động theo quy định, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi đó, với hệ thống xử lý nước thải mới thì KCN đã có năng lực xử lý nước thải cấp A – tức là lượng nước thải này ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong khu công nghiệp, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc vận hành.
Với vấn đề về quy định liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện cộng sinh công nghiệp. Đứng ở góc độ là các doanh nghiệp trong khu khi có liên kết sản xuất, theo định nghĩa có rất nhiều loại cộng sinh, có thể là cộng sinh về dịch vụ, chia sẻ tiện ích, cơ sở hạ tầng KCN, hay tái sử sụng rác thải… Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để xử lý các chất thải, mà chỉ có một số doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận rác thải.
“Hiện toàn bộ rác thải trong khu công nghiệp đều được đưa ra ngoài KCN để xử lý và có rất ít báo cáo cũng như các vấn đề theo dõi về việc xử lý rác thải ra sao. Thông thường, việc dễ gây ô nhiễm môi trường đó là chôn lấp hay đốt rác thải, mà bản thân các doanh nghiệp thì ít theo dõi được các nguồn thông tin về rác thải là vấn đề rào cản rất lớn”, bà Loan phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, cho biết còn nhiều rào cản để thúc đẩy sự phát triển của KCN bền vững tại Việt Nam. Trong đó, vấn đề cần lưu tâm hàng đầu là ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc ô nhiễm nước thải và khí thải tại các KCN. Với vấn đề này phải đầu tư vào công nghệ xử lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo vào các KCN, KKT.
Bàn thêm về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, cho biết, giữa hiện thực và thể chế pháp lý luôn có một khoảng cách. Có nhiều điểm nghẽn pháp lý khiến cho sự phát triển KCN, KKT tại Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, những thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới “dừng lại” ở loại hình văn bản dưới luật.
Cần có luật về khu công nghiệp, khu kinh tế
Khu công nghiệp Long Hậu. Ảnh minh hoạ: H.Như
Trong bối cảnh các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thường yêu cầu các KCN phải đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, PGS TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước các cấp trong phát triển KCN, KKT như: cụ thể hơn vai trò, vị trí của KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hoá, phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Điều này nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài ra, cần xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng…
Bà Virginia Foote, thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội – CEO Bay Global Straegies đề xuất, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Ngoài ra, phải cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.
Tiếp đó, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong khu công nghiệp để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không.
Các địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề… hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế… thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Cuối cùng, để có thể thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, các khu công nghiệp cung cấp chương trình phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu mà các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KHĐT, cho rằng nguyên lý của việc phát triển các KCN bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác.
Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
“Như vậy, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo”, bà Hiếu nói và cho biết sẽ hướng tới việc kết nối các KCN với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững.
TBKTSG