Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Đảng và Chính phủ ta coi trọng. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều định hướng, chỉ đạo về vấn đề này.
Trước hết, phải kể đến Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, Đảng ta xác định: Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững1.
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03 tháng 6 năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ: “…kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”2.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh việc “phát triển mạnh tài chính xanh, tín dụng xanh”3 nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược nhấn mạnh đến nhiệm vụ này như: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia các thời kỳ; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chiến lược của các ngành, lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thực hiện cam kết tại COP26, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chuyên môn liên quan đã ban hành nhiều chính sách về đầu tư xanh, tài chính xanh và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, trong đó tín dụng xanh và trái phiếu xanh là hai nguồn lớn nhất.
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050, nêu rõ: “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”4.
Ngày 20 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Theo đó, Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh bao gồm 04 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể: Chủ đề 01: Xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương. Chủ đề 02: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, gồm 04 nhóm: (1) Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. (2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải. (3) Đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông lâm nghiệp, thủy sản. (4) Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Chủ đề 03: Thực hiện xanh hóa sản xuất, gồm 04 nhóm: (1) Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. (2) Sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực tự nhiên và phát triển khu vực kinh tế xanh. (3) Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững. (4) Thúc đẩy phong trào "doanh nghiệp phát triển bền vững", nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ tăng trưởng xanh. Chủ đề 04: Thực hiện Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, gồm 02 nhóm sau: (1) Phát triển đô thị xanh và bền vững. (2) Thúc đẩy thực hiện lối sống xanh5.
Thực hiện Kế hoạch nêu trên, ngày 24 tháng 3 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Chỉ thị nêu rõ hai mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát: Một là, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Hai là, thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững. Chỉ thị cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng cần: “chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng”; “thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội: nghiên cứu và phát triển sản phẩm tín dụng xanh, triển khai các chương trình tín dụng có các chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh”. “Tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường”6.
Tiếp đó, ngày 06 tháng 8 năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Quyết định nêu rõ: “Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng là thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh”. Một trong những nhiệm vụ đặt ra là: “Xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh”7.
Ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”8.
Định hướng ngân hàng phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được đề cập rất rõ ràng trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 20309.
Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đã nêu rõ nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là “Từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong Danh mục dự án xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành”10.
Các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng được quy định rõ trong các văn bản của Chính phủ. Theo Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, Điều 21 nêu rõ: “Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước”11.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 lần đầu tiên (Điều 149) đưa ra quy định về tín dụng xanh. Theo đó, “Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; b) Ứng phó với biến đổi khí hậu; c) Quản lý chất thải; d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường”12.
Và lần đầu tiên (Điều 150) đưa ra các quy định về trái phiếu xanh, trong đó có nêu rõ: “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường”13.
Tiếp nối những thành công của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030, ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”14.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh gồm: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường nêu trên và theo quy định tại Nghị định này được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh15.
Trước hết, về tín dụng xanh, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh: “Khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cấp tín dụng xanh được hưởng các cơ chế khuyến khích sau: a) Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển; b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ đào tạo, tập huấn cấp tín dụng xanh”16.
Thứ hai, về trái phiếu xanh, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ: “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành để huy động vốn cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh…”. “Chủ thể phát hành trái phiếu xanh, nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng các chính sách ưu đãi sau: a) Được hưởng các ưu đãi giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán và chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; b) Dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm”17.
Theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, “trái phiếu doanh nghiệp xanh” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường”18.
Ngoài ra các văn bản của Chính phủ như: Nghị định số 65/2022 ngày 16 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế19; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về giao dịch, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế20 và nhiều văn bản khác của Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương phát hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển và quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính xanh là tín dụng xanh và trái phiếu xanh nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết về khí hậu.
Từ năm 2017 đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế xanh, dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh21. Hiện tại Bộ đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Danh mục phân loại xanh).
Chú thích và Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03 tháng 6 năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1393, ngày 25 tháng 9 năm 2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020.
5. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 8 năm 2015 ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 8 năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
9. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
11. Chính phủ: Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
12, 13. Quốc hội: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020.
14. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
15, 16, 17. Chính phủ: Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
18. Chính phủ: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
19. Chính phủ: Nghị định số 65/2022 ngày 16 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
20. Chính phủ: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về giao dịch, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
21. Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đề xuất các quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh”, https://monre.gov.vn, ngày 20/6/2023.
Thiên Hương