Quyết định này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
"Sưởi ấm" sức mua, kỳ vọng phục hồi
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính... Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tác động chưa được nhiều, người dân có xu hướng tiết giảm chi tiêu.
Do vậy, giải pháp kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời gian tới sẽ giảm gánh nặng thuế giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mới đây, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2024. Việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Như vậy, việc giảm thuế VAT vẫn chỉ áp dụng với một số ngành, lĩnh vực, chưa thực sự thỏa mãn theo nhiều đề xuất của chuyên gia trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải: Việc không mở rộng đối tượng được giảm thuế VAT là để đảm bảo nhất quán trong chính sách; đồng thời giảm áp lực cho ngân sách.
“Nếu giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 37.100 tỷ đồng. Nếu chỉ áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, ngân sách hụt thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Để tăng trưởng kinh tế, cần tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thị trường, nguồn vốn, quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Sau một thời gian giảm sút, từ cuối quý II/2023 đến nay sức mua đã tăng trở lại đem lại kỳ vọng thời điểm mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khởi sắc.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, quá trình phục hồi trên là kết quả của các chính sách kích cầu như: Giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, giảm lãi suất cho vay và chính sách “mở cửa” visa du lịch... Các chính sách này đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu chung của toàn thị trường nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng tăng trưởng dương.
Đối với hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Markerting MM Mega Market cho rằng: Việc tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 là tín hiệu rất khả quan để kích cầu tiêu dùng. Trong quý III/2023, lượng người mua sắm tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã khởi sắc hơn, doanh thu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của việc giảm thuế VAT 2%.
“Trong năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2%, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu sẽ giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp ở cả góc độ chính sách tài khóa, cũng như chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá rất quan trọng, giúp xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước có thể ổn định cung - cầu, cũng như đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chính sách giảm thuế VAT vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ người lao động có được công ăn việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, bền vững hơn trong tương lai. “Điều này đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, người dân yên tâm đầu tư khi vòng xoay về tiền - hàng được duy trì. Nếu bây giờ để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp gặp khó khăn”, TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng
Quá trình triển khai chính sách giảm thuế VAT có loại trừ đã được triển khai từ năm 2022 nhưng tới năm 2023, nhiều người nộp thuế và cơ quan thuế vẫn loay hoay khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp lúng túng khi phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%?
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ- CP và Nghị định 44/2023/ NĐ-CP nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng thực tế, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 đã không dám khẳng định hàng hoá, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%? Nhiều doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai.
Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng...
Do vậy doanh nghiệp mong mỏi, các hướng dẫn, trình tự, thủ tục thực hiện đối với Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết của Quốc hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi cần khắc phục tình trạng trên.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế, phí là “liều thuốc” hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng chưa đủ. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị: Trước hết, về dài hạn, để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí, cũng như tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế.
“Doanh nghiệp cần phải bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh xanh, sạch theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn vì chưa đáp ứng được những yêu cầu sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Tiếp theo, phải tạo ra được những mặt hàng mang tính thuần Việt, qua đó kết nối doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có những sản phẩm ‘made in Vietnam’ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, hình thức mẫu mã để thâm nhập được vào thị trường thế giới”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm bắt lại thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước rất lớn, với 100 triệu dân, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Một số chuyên gia kinh tế hiến kế: Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu, trong đó có đẩy mạnh chi tiêu công và giảm thuế VAT để hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, để kích cầu tiêu dùng thành công, Chính phủ phải mở thêm kênh tiền tệ, cho dòng tín dụng chạy vào sản xuất và tiêu dùng, bằng cách tạo điều kiện giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp sản xuất và người dân vay tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp khôi phục sản xuất tốt sẽ có thêm doanh thu và vay thêm tiền đầu tư. Người lao động có thu nhập ổn định sẽ mạnh dạn vay tiền chi tiêu, như vậy sẽ góp phần khôi phục kinh tế.
Nguồn TTXVN