Ngân hàng Thế giới trong đánh giá mới nhất về kinh tế Việt Nam lưu ý, mặc dù cầu quốc tế đang phục hồi nhưng cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, vẫn còn yếu.
Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, trước bối cảnh đồng USD mạnh lên, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá.
Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.
Tỷ giá thị trường VND/USD đã tăng 8% so với cùng kỳ tính đến cuối tháng trước. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ lên 4,3% trong tháng 5 so với mức 4% của tháng trước đó, phản ánh chính sách thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Trong động thái mới nhất, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Thúc đẩy tăng trưởng bằng hỗ trợ tổng cầu cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định, cầu trong nước phụ thuộc nhiều vào chính sách bởi yếu tố này liên quan trực tiếp đến đầu tư tư nhân, đầu tư công và tiêu dùng nội địa.
Theo đó, Chính phủ cần có chính sách tài khóa và các giải pháp cải cách giúp giảm chi phí, tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp để phát triển được thị trường nội địa.
“Đây nên là trọng tâm chính sách trong vòng một hai năm tới để tạo động lực cho kinh tế trong nước cân bằng với sự suy yếu của nhu cầu từ bên ngoài", ông Hùng phân tích tại diễn đàn đầu tháng này.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.
Cụ thể, tổ chức này khuyến nghị, cần tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.
Không chỉ vậy, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ.
Theo The Leader