Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) đem lại nhiều lợi ích, thu hút được nhiều xã viên tham gia. (Ảnh: Nhân dân)
Trên thực tế, không ít HTX, mô hình KTTT đã nhận được tiền đầu tư, nhưng năng lực quản trị không có, không xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh nên đã nhanh chóng bị tan vỡ. Song bên cạnh những mô hình KTTT, HTX yếu kém, vẫn có những mô hình thành công.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năng lực quản trị HTX chính là vấn đề mấu chốt quyết định sự thành bại của HTX. Nếu đội ngũ quản trị HTX có năng lực thì các HTX sẽ vượt qua khó khăn. Họ chính là những người hoạch định chiến lược kinh doanh, dự báo thị trường, biết tiết giảm chi phí, xây dựng thương hiệu, tầm nhìn cho HTX. Ðể gỡ nút thắt này cần sự vào cuộc của Liên minh HTX và các bộ, ngành liên quan.
Ghi nhận tại HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt tỉnh Hải Dương (được thành lập năm 2011), HTX có tám thành viên đồng góp vốn và sở hữu 10ha nuôi trồng thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá rô phi. Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Lê Văn Việt cho biết, mặc dù đã xác định mặt hàng sản xuất, kinh doanh rõ ràng nhưng HTX luôn gặp khó khăn về vốn, diện tích nuôi thả và nguồn giống.
Sáng kiến tổ chức mô hình nuôi quy mô nhỏ, nguồn vốn lớn được đưa ra và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của các thành viên HTX. Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện, HTX đã làm chủ được quy trình ươm dưỡng hoàn thiện và giải được bài toán về nguồn giống. Thành công bước đầu đã khích lệ các thành viên HTX tiếp tục góp vốn đầu tư.
Ðến nay, HTX có 52 thành viên, trong đó bảy thành viên đã phát triển HTX trực thuộc và ba công ty thành viên hoạt động phục vụ sự phát triển của Xuyên Việt. Từ 10ha nuôi thả ban đầu, giờ Xuyên Việt đã sở hữu 152ha, cung cấp ra thị trường hơn 70 nghìn tấn cá/năm (trong đó 70% là cá rô phi, 30% là cá các loại). Hiện HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giống và cá thương phẩm với 20 siêu thị trong và ngoài tỉnh và các chợ truyền thống.
Thành công của HTX Xuyên Việt có được chính là nhờ năng lực quản trị tốt của các thành viên HTX. Không chỉ xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển mô hình HTX theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, năng lực quản trị tốt còn góp phần dẫn dắt thành viên HTX, cho họ biết họ được gì và làng xóm mình được gì khi tham gia vào HTX. Từ đó, tăng sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh.
Ðể tạo điều kiện nâng cao năng lực quản trị của các thành viên trong mô hình KTTT, HTX ngày càng đáp ứng yêu cầu hoạt động theo mô hình kiểu mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài cập nhật thông tin hằng ngày, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số thì cần phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, đây đều là những kiến thức mới với thành viên và cán bộ HTX nên quá trình đào tạo phải gắn liền với thực hành bài bản. Ðặc biệt phải lưu ý đến phương pháp "cầm tay chỉ việc" mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mà các HTX đang cần.
Hiện, để nâng cao năng lực quản trị của các thành viên chủ chốt trong mô hình KTTT, HTX, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ và chủ động phối hợp đặt hàng các cơ sở đào tạo trong cả nước, đưa tri thức trẻ về giữ các vị trí quan trọng trong HTX, mô hình KTTT. Bước đầu góp phần hiện thực hóa chiến lược đào tạo "Giám đốc HTX nông nghiệp", đến năm 2030 có khoảng 80% số giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề.
Cùng với quyết tâm đổi mới trong đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho HTX, mô hình KTTT, những yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách cũng đã được đặt ra cho phù hợp tình hình mới. Ðó là nguồn vốn tín dụng, chính sách tích tụ đất đai…
Từ góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông chia sẻ, điều kiện để tiếp cận những chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như đội ngũ quản lý của mô hình KTTT, HTX hiện không thuận lợi so với những khu vực doanh nghiệp khác. Nguyên nhân là bởi luật về HTX còn chưa phù hợp thực tiễn, chậm chuyển đổi về cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh. Ðặc biệt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về HTX từ Trung ương đến địa phương để nhân dân có nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò, vị trí của HTX còn chưa đầy đủ và thường xuyên. Dẫn đến KTTT, HTX chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cả nước hiện có 29.000 HTX đăng ký hoạt động kinh doanh; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 18.000 HTX (hơn 70% tổng số HTX cả nước) đang có bước tăng trưởng ấn tượng.
Do đó, những chính sách mới cần được cập nhật thường xuyên và tạo động lực để KTTT, HTX phát triển. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị, nguồn lực nội tại của mô hình KTTT, HTX cũng rất quan trọng. Trong khi cần vốn và những thay đổi về chính sách của Nhà nước, KTTT, HTX cần khai thác tốt vốn của thành viên, xã viên. Muốn làm được điều này, cần công khai vốn thành viên, công khai tài sản, qua đó tạo được niềm tin cho các thành viên, từ đó tiếp tục góp vốn cho KTTT, HTX.
Nguồn lực nội tại để KTTT và HTX phát triển chính là sự góp vốn của các thành viên. Vốn có thể là đất đai, là tiền mặt để quay vòng sản xuất, kinh doanh. Khi đã góp vốn thì đội ngũ quản trị đến xã viên đều tự nguyện tuân theo quy chế thị trường và thực hiện kiểm toán nội bộ. Nhờ nâng cao năng lực quản trị và dân chủ, HTX, KTTT sẽ nhận được nhiều kênh đầu tư và sự linh hoạt trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sự kết hợp của nhiều nguồn lực từ cơ chế, chính sách và nội tại sẽ giúp KTTT và HTX liên kết nhau lại, trở thành liên minh HTX lớn mạnh trong thời kỳ mới.
Theo Nhân dân