6 tháng cuối năm dự báo giá lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định. Ảnh: Thu Dịu |
Diễn biến theo duy luật và dự báo
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới lẫn trong nước khi biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh cũng nhu tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới và đặc biệt là các nước đang phát triển còn thấp. Các tác động từ đại dịch được đánh giá vẫn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế thế giới trong nhiều năm tới, đặc biệt là tình hình lạm phát.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý giá cho biết, mặt bằng giá cả trong 6 tháng đầu năm diễn biến theo hướng tăng cao theo quy luật trong dịp lễ, Tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và tháng 4 trước khi tăng trở lại vào tháng 5 và tháng 6.
Từ diễn biến lạm phát có thể thấy mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao trên nhiều khu vực thế giới song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.
"Các chính sách, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã được phát huy hiệu quả; các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở trạng thái tốt, tạo dư địa cho Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng", ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý giá cho biết.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, công tác tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm và gắn với từng thời điểm cụ thể để kịp thời triển khai các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành gía của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, dự báo tình hình giá cả và tính toán các kịch bản, giải pháp điều hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1%
Theo nhận định của Cục Quản lý giá, trong nửa cuối năm 2021, vẫn còn nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như: căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỷ lệ "nhập khẩu lạm phát".
Ngoài ra cũng có nhưng yếu tố bất lợi khác như: áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới; rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán; chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa tăng cao...
Ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát được Cục Quản lý giá chỉ ra như: nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; dự báo giá lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định; giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá.
Từ những yếu tố trên, đại diện Cục Quản lý giá nhận định, về mặt "con số" thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước tính, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%. Do vậy có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoản 4% vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Định, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng tới việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu quốc hội giao, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá như sau: Tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cân đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh. Mặt khác, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi. Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo là nền tảng cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá cũng cần được triển khai hiệu quả hơn nhằm tính toán được những thời điểm thuận lợi, đủ điều kiện cho việc triển khai thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công nhằm nhanh chóng thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giải phóng nguồn lực xã hội trong cung cấp dịch vụ công. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải hàng hóa, nghiên cứu các giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt chi phí logistic trong giá thành sản phẩm. Tiếp tục giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản. Đồng thời tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá. |