Trả lời:
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận quan trọng, một nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát là phương thức hữu hiệu ngăn ngừa những khuyết điểm, sai lầm góp phần xây dựng nhân cách người cán bộ, đảng viên. Thắng lợi của cách mạng nước ta hơn 90 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, trong đó công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên là hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên hướng vào theo dõi, đánh giá chất lượng tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; giúp đảng viên phát huy ưu điểm, vai trò tiền phong gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khắc phục sửa chữa các khuyết điểm, sai phạm nhằm giữ vững tư cách đảng viên.
Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong việc tự phê bình và phê bình của đảng viên thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Kiểm tra, giám sát là yêu cầu không thể thiếu đối với cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, bởi thông qua kiểm tra, giám sát giúp các chủ thể nắm được thực trạng ưu điểm, khuyết điểm, những vấn đề thuộc về nhiệm vụ chính trị đang đặt ra cần tập trung giải quyết. Qua đó giúp cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời, hợp lòng dân. Bởi vậy, “Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”[1]. Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo, gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhất là trong thời kỳ Đảng ta lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì công tác kiểm tra, giám sát càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố để đề phòng hai nguy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền là sai lầm về đường lối chính trị và một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, thoái hóa biến chất.
Hai là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên sẽ góp phần giáo dục rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên là những người giác ngộ lý tưởng cách mạng, tự giác, gương mẫu thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng trong quá trình phấn đấu rèn luyện do nhận thức khác nhau trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ đảng viên cũng khác nhau. Số đông đảng viên tận tụy với công việc, trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gần gũi gắn bó mật thiết với nhân dân. Số ít đảng viên do tính đảng thấp, sa vào chủ nghĩa cá nhân nên vi phạm kỷ luật đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ thực tiễn cấp bách đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định “mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác”[2]. Nhóm giải pháp mà Nghị quyết đề cập đầu tiên có tính đột phá là tự phê bình và phê bìnhvà xác định lộ trình, phương pháp, cách làm, nhất là cấp trên, cán bộ chủ chốt phải nêu gương làm trước cho cấp dưới và cán bộ dưới quyền làm theo. Điều này rất đúng với tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên”[3].
Ba là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên sẽ góp phần giúp đảng viên phát huy ưu điểm, phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm.
Thực tế trong những năm qua cho thấy ở một số ít tổ chức đảng yếu kém kéo dài có nguyên nhân buông lỏng kiểm tra, giám sát, một số cán bộ chủ chốt không thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình, không nghiêm túc trong việc sửa chữa khuyết điểm của bản thân; nói không đi đôi với làm, không gương mẫu trong công tác và lối sống, uy tín trước quần chúng giảm sút. Do đó, đặt ra cho các tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao lòng tự trọng, ý thức tự giác trong nhận thức và hành động, ghép mình vào tổ chức. Chính ý thức tự giác cộng với đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên sẽ đủ sức miễn dịch với các thói hư tật xấu, mọi sự cám dỗ vật chất tầm thường, đủ sức làm chủ bản thân mình trước những môi trường phản văn hóa. Chất lượng tự phê bình của đảng viên, tổ chức đảng cao hay thấp, nghiêm túc hay qua loa, đại khái tùy thuộc rất lớn vào ý thức tự giác của đảng viên, vào công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên sẽ góp phần giúp cấp ủy nắm được chất lượng thực hiện tự phê bình và phê bình của các tổ chức đảng; giúp các tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật chính xác, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng.
Thực hiện tốt chức năng này sẽ giúp các tổ chức đảng nắm được chất lượng đảng viên, nhất là những đảng viên có dấu hiệu vi phạm về kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự phê bình và phê bình còn giúp cấp ủy đảng nắm được các tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ xem xét thi hành kỷ luật đúng hay không đúng, kịp thời hay không kịp thời, có chính xác không, có đảm bảo đúng người đúng tội không. Nhận dạng, đánh giá chính xác vấn đề đó đòi hỏi phải sâu sát cơ sở gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng.
Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên sẽ góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân.
Tai mắt của quần chúng rất tinh tường, nhận biết ưu khuyết điểm, phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên kịp thời và chính xác. “Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng”[4]. Vì vậy, các tổ chức đảng cần tạo điều kiện, môi trường, cơ chế để nhân dân giám sát, phản biện đường lối, chính sách, nghị quyết; giám sát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ. Sự giám sát, phản biện, đóng góp chân thành, tâm huyết, động cơ trong sáng của nhân dân là nguồn thông tin quan trọng, năng lượng để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự nhìn lại chính mình, soi xét các khuyết điểm, hạn chế để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, giúp cán bộ, đảng viên phấn đấu rèn luyện tốt hơn, luôn là những “công bộc” tận tụy phục vụ nhân dân.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.521.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2012, tr. 30.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.413.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.262.
Ngọc Canh