1. Độc lập dân tộc (ĐLDT) và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là giá trị phổ quát mà nhân loại đã và đang phấn đấu tiệm cận, hiện thực hoá
Theo nghĩa chung nhất, ĐLDT là quyền tự chủ, tự quyết của dân tộc - quốc gia đối với vận mệnh của dân tộc mình. ĐLDT của một dân tộc - quốc gia còn bao hàm cả quyền bình đẳng giữa các dân tộc - quốc gia trên thế giới trong các mối quan hệ quốc tế. Giá trị căn bản của ĐLDT là đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng trong các mối quan hệ quốc tế.
Bản chất của CNXH là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, giàu có, ấm no, hạnh phúc. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ, phù hợp của nhân loại; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đấu tranh vì hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội.
Khi xây dựng học thuyết về CNXH, C.Mác, Ph.Ăngghen, VI.Lênin đã luôn đề cao vấn đề dân tộc, ủng hộ các dân tộc bị áp bức giành ĐLDT, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp, kết hợp ba cuộc cách mạng trong một chỉnh thể: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Nhờ đó mà sức mạnh dân tộc được nhân lên gấp bội. Học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đề cao các giá trị dân tộc, phát huy các giá trị độc lập dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc, hướng tới những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại. Đây là học thuyết mang tính thời đại. Kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập đến nay; là bài học lớn, xuyên suốt, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
2. Lựa chọn gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa khách quan của lịch sử Việt Nam, phù hợp với giá trị phổ quát của nhân loại
Từ thực tiễn lịch sử cho thấy, việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với dân tộc ta đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã kéo dài 2/3 thế kỷ. Từ đây ĐLDT và CNXH là chiến lược cách mạng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta được xác lập trong chính sự nghiệp đấu tranh giảnh ĐLDT và xây dựng CNXH qua hơn chín thập niên qua.
Trên bình diện thế giới, sau sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các quốc gia còn lại đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba... đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách, đổi mới. Đây là quá trình cải cách, đổi mới thành công cả về tư duy lý luận và tầm nhìn thực tiễn. Quá trình đó đã tạo ra nhiều thành tựu to lớn, vĩ đại để CNXH vượt qua khủng hoảng và phát triển rất đặc sắc trong bối cảnh mới của thời đại. Vừa cải cách, đổi mới toàn diện, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, giải pháp phù hợp; kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận với thực tiễn, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... đã tạo ra những sự phát triển đột phá của các quốc gia kiên định con đường đi lên CNXH.
Lý do cơ bản của sự trường tồn này không có gì khác chính là các mục tiêu của mô hình CNXH phù hợp với những giá trị phổ quát, tốt đẹp mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Đây là chính là mục tiêu, động lực để các quốc gia kiên định con đường CNXH vượt qua mọi thử thách, kiên trì hiện thức hoá những khát vọng tốt đẹp: giữ gìn nền độc lập cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
3. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của Đảng và dân tộc Việt Nam
Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, của cách mạng vô sản, với đường lối kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy được truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân đang xây dựng là quá trình nhân dân hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, là xã hội luôn chăm lo đến lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của mỗi người dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc".
Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Do vậy, “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng” là vấn đề nguyên tắc của cách mạng Việt Nam, là mạch nguồn tạo ra những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường CNXH. Bởi ĐLDT gắn liền với CNXH xét cho đến cùng là hướng tới những giá trị tốt đẹp, phổ quát mà các quốc gia, dân tộc trên thế giới luôn hướng tới./.
N.T.T.H