Kế thừa tư duy của Đảng về xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ các kỳ Đại hội trước và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” .
Như vậy, tư duy của Đảng về xác định nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc tiếp tục khẳng định và đặt các phương diện tự nhiên - lịch sử với chính trị - văn hóa, xã hội và lợi ích quốc gia - dân tộc, môi trường hòa bình, ổn định… trong một chỉnh thể thống nhất biện chứng, không tách rời nhau; thực hiện nội dung này là cơ sở, điều kiện, tiền đề, kết quả để thực hiện nội dung khác và ngược lại. Tuy nhiên, trong tình hình mới, nhằm ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt, nhất là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và bảo đảm xã hội ổn định, Đại hội XIII đã coi trọng và nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an ninh, an toàn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước và trong cuộc sống của người dân.
Do đó, Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, gồm cả bảo vệ “an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”. Đây là quan điểm nhân văn, tiến bộ của Đảng, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn thời gian qua, nhất là trong ứng phó với thảm họa thiên tai, lũ lụt, phòng, chống đại dịch COVID - 19 với tinh thần “không để ai tụt lại phía sau” là những minh chứng rõ nét cho sự phát triển tư duy này.
Mục tiêu của bảo vệ Tổ quốc nêu trên là sự kế thừa, phát triển truyền thống của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất với quan điểm của Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX), Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) nhưng được diễn đạt khái quát hơn cho phù hợp với tình hình mới.
Mục tiêu của bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới trước hết là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. Độc lập chủ quyền không chỉ là vấn đề lãnh thổ mà còn là độc lập chủ quyền trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự v.v…Trong đó, trước hết là độc lập về chính trị, đó là bảo vệ quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc, quyền lựa chọn con đường phát triển, thể chế chính trị của đất nước. Đó còn là xây dựng và bảo vệ nền kinh tế độc lập, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.
Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới còn là bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm toàn bộ đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Đó là bảo vệ sự toàn vẹn của hơn 331.051 km2 đất liền, hơn 1 triệu km2 vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.
Vấn đề có ý nghĩa cốt tử của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ Đảng là giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Bảo vệ Nhà nước là bảo vệ bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ Nhân dân là bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người, quyền công dân của Nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ, bảo vệ các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ thể chế chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý, Nhân dân Việt Nam làm chủ…
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới là bảo vệ sự nghiệp đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực chất là bảo vệ đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ những thành quả đạt được.
Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc là một trong những thành tố mới trong nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được Đại hội XII, XIII của Đảng xác định. Đây là mục tiêu cao nhất và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay. Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc hiện nay là bảo vệ và thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc.
Bảo vệ nền văn hóa dân tộc là bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần, nền tảng tư tưởng của xã hội; không ngừng quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới còn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là kiên định đường lối phát triển, bảo đảm sự nhất quán của các chủ trương, chính sách, không có xáo trộn, biến động về chính trị đặc biệt là trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến sự phát triển đất nước; không để xảy ra vấn đề phức tạp trong quan hệ với các nước láng giềng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhưng không vì thế mà lơ là mất cảnh giác, bị động, bất ngờ mà phải đảm bảo cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.
Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc nêu trên thể hiện tính chất toàn diện hơn, sâu sắc hơn, cụ thể hơn… phản ánh đầy đủ các yếu tố về tự nhiên-lịch sử và về chính trị-xã hội trong Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các nội dung của mục tiêu quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời, tạo thành một chỉnh thế thống nhất, bảo vệ nội dung này cũng có nghĩa là bảo vệ nội dung khác và ngược lại. Nhận thức mới về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc của Nghị quyết Đại hội XIII so với trước được mở rộng, toàn diện, sâu sắc, cụ thể hơn về nội dung phù hợp với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, khắc phục sự phiến diện trong tư duy chỉ nhấn mạnh đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, làm rõ hơn mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ, biện chứng giữa các nội dung trong mục tiêu.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Để tranh lấy cơ hội, vượt qua thách thức, việc tiếp tục quán triệt thường xuyên và sâu sắc hơn nữa những quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh nói chung, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nói riêng là hết sức cần thiết. Điều quan trọng là hiểu rõ mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời giữa các nội dung trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, kiên quyết đập tan mọi âm mưu thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
Q.M