Năm 1991, Đảng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đánh giá kết quả hơn 4 năm quá trình đổi mới và đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là cương lĩnh 1991), trong đó, bài học lớn đầu tiên Đảng ta rút ra được đó là: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.” Cho tới hôm nay, Đảng ta vẫn nhất quán khẳng định kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Có thể đưa ra một số lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, đây chính là một sự lựa chọn của lịch sử từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ khi nhân dân ta, dưới ngọn cờ của Đảng đã thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không có lý gì nay lại rẽ sang con đường khác ngược với mục tiêu đã lựa chọn.
Mặt khác, lịch sử loài người đã và đang trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội, là quy luật chung của sự phát triển của xã hội loài người, nhưng không phải bất cứ quốc gia nào cũng phải thực hiện những bước phát triển tuần tự như vậy mà tuỳ dân tộc, quốc gia, hoàn cảnh mà có thể thực hiện bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội để tiến lên xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đánh dấu bước chuyển của chủ nghĩa xã hội - từ lý thuyết thành hiện thực, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới thì việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là phù hợp với xu hướng của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân. Chủ nghĩa tư bản sẽ không là đích đến cho con người khi trong lòng nó còn chứa đựng những mâu thuẫn, bất công: “Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.” Người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, đã tới những nước tư sản, thực tế kết quả của những cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở đây có thực sự giải phóng được nhân dân hay không? Tuy nhiên, Người nhận định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” và “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Dưới ánh sáng của cuộc cách mạng tháng 10 Nga, và đặc biệt khi đọc bản đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trên báo Nhân đạo thì Người mới thực sự sáng rõ được con đường cứu nước và giải phóng dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản. Như vậy, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Thứ ba, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Liên Xô và ở Đông Âu không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội. Cần nhận thức rằng, đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội trong quá trình đi tới mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sự sai lầm ở đây là một sự thất bại trong thí nghiệm về xây dựng một chế độ xã hội mới. Vì thế, nó không đồng nhất với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một lý tưởng, mục tiêu, một chế độ xã hội kiểu mới thuộc về hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa mà loài người tiến bộ đang vươn tới. Chủ nghĩa xã hội dù có những thất bại ở mô hình này hay mô hình khác, nhưng xét về bản chất, đó là một chế độ xã hội tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa tư bản đương đại.
Thứ tư, những thành tựu của của thời kỳ đổi mới góp phần củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong suốt 35 năm qua, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Đường lối đổi mới giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm trung bình khoảng 1,5% mỗi năm; hoàn thành xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua; người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần, tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ.6 Những kết quả đáng khích lệ đó đã đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc đổi mới của Đảng ta, là lời khẳng định vững chắc về định hướng chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, một chế độ xã hội thực sự vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Tóm lại, chỉ có con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì tổ quốc ta mới được độc lập tự do thực sự, nhân dân ta mới trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh của mình, quyết định con đường phát triển của đất nước. Tuy rằng trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới mẻ như vậy còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí cả những sai lầm khó tránh khỏi nhưng chúng ta có thể tin rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cùng với sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của nhân dân sẽ là nhân tố đảm bảo vững chắc những bước tiến tiếp theo trên con đường mà Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn./.
QĐP