VĨNH PHÚC: SẴN SÀNG NHÂN LỰC, ĐẤT ĐAI VÀ CÔNG NGHỆ
Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 1997 đến nay, quy mô nền kinh tế tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó có vai trò lớn của các doanh nghiệp FDI (chiếm tới 70% nền kinh tế hiện nay). Để thu hút vốn FDI. Ông Thành khẳng định 3 yếu tố giúp tỉnh thu hút vốn FDI: nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ.
"Từ khi tái lập tỉnh, chúng tôi luôn kiên định 3 yếu tố này. Trong thời gian dài, chúng tôi đã thực hiện tốt đường lối kinh tế đối ngoại và có sự hỗ trợ của các ban, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, thậm chí đã 'cầm tay chỉ việc' cho Vĩnh Phúc", Chủ tịnh tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh. "Về phần mình, chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để thu hút FDI như: về nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp để tạo môi trường thu trường thu hút đầu tư. Cùng với đó, chúng tôi cũng chuẩn bị cả hệ sinh thái công nghệ. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, nhằm tạo ra cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư đến".
Trong bối cảnh Covid-19, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời tới đông đảo nhà đầu tư nước ngoài. Ông Thành nhận định Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác tại Việt Nam rất tích cực trong việc tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư, thậm chí còn mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tìm đến địa phương.
Thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì thu hút các dòng vốn FDI để phát triển, Vĩnh Phúc sẽ cân nhắc và lựa chọn dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao để có thể tạo ra giá trị và thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết nối với doanh nghiệp FDI.
BẮC NINH: ƯU TIÊN DỰ ÁN ÍT SỬ DỤNG ĐẤT VÀ NHÂN LỰC
Trong khi đó, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh trong việc thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao.
"Chúng tôi xác định, dù có diện tích tự nhiên nhỏ, nhưng Bắc Ninh lại có lợi thế lớn là nằm gần Hà Nội và nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc quy hoạch các khu công nghiệp đã được tỉnh quan tâm từ năm 1997. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 16 khu công nghiệp tập trung, 26 khu công nghiệp, và 1 khu công nghiệp thông tin với diện tích đất trên 8.000 hecta", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, việc đồng bộ hạ tầng từ sớm đã giúp tỉnh sớm thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh với chính sách nhất quán qua các nhiệm kỳ lãnh đạo cũng như các cấp quản lý trong tỉnh.
Việc tích cực cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố giúp Bắc Ninh thu hút nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Hiện Bắc Ninh có 1.581 dự án FDI với tổng giá trị 20 tỷ USD.
"Thời gian tới, để thu hút đầu tư, Bắc Ninh xác định cần tạo đột phá trong khâu phát triển tiếp theo, tập trung ưu tiên dự án ít sử dụng đất và ít sử dụng nhiều lao động. Tỉnh tập trung vào các dự án có vốn đầu tư cao và hàm lượng công nghệ cao", ông Tuấn cho biết.
Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp về vay vốn để chuyển giao chuyển đổi công nghệ. Tỉnh cũng đề ra kế hoạch sẵn sàng mặt bằng, nguồn nhân lực như: hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông để học nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo lại nhân lực.
HẢI DƯƠNG: HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG THU HÚT FDI
Còn tại Hải Dương, bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như làn sóng bùng dịch thứ ba vừa qua, tỉnh vẫn đạt được những thành tựu lớn trong thu hút FDI. Hải Dương hiện có 485 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn 9,1 tỷ USD. Giai đoạn 2016 -2020, tổng giá trị xuất khẩu của Hải Dương đạt 32 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 7,7 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với 2019.
Theo ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương, trước tình hình mới, cần một cách tiếp cận mới trong thu hút FDI theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng.
"Chúng ta cần tiếp cận phù hợp với thế của địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt. Nên xây dựng hạ tầng khu cong nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn", ông Thăng nhấn mạnh.
HẢI PHÒNG: CHĂM SÓC NHÀ ĐẦU TƯ "TẬN CHÂN RÀO"
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng, nhấn mạnh tới những lợi thế về thiên nhiên của tỉnh cùng hệ thống cảng biển là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc với thế giới. Nhờ đó, những năm qua, FDI vào Hải Phòng đã lên tới 20 tỷ USD.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, Hải Phỏng đã xây dựng chiến lược cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong 5 năm, quyết liệt cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn dành một quỹ đất sạch danh cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
"Chúng tôi còn chăm sóc nhà đầu tư đến tận chân hàng rào. Điều đó nghĩa là tỉnh đầu tư về điện, nước, hệ thống cây xanh. Đây là những thứ nhà đầu tư quan tâm", Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương chia sẻ kinh nghiệm. "Ngoài ra, hàng tháng, chính Chủ tịch UBND tỉnh đều có một buổi gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, kiến nghị của các doanh nghiệp đã giảm dần theo thời gian. Mặt khác, thị trường nhân lực của chúng tôi được đào tạo bài bản, bên cạnh 3 trường đại học thì chúng tôi cũng có hàng chục trường đào tạo nghề".
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ chăm sóc kỹ cảng nước sâu và tiếp tục phát triển cảng biển. Trong 5 năm tới, tỉnh dự kiến triển khai thêm 4 cầu tàu ở cảng nước sâu, nâng tổng số lên 6 cầu tàu. Tiếp tục thu hút đầu tư ở 16 khu công nghiệp để hình thành 23 khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang trình để có 6 khu logistics tại 6 khu công nghiệp./.
Theo VNEconomy