Theo đó, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Việt Nam đã tận dụng được nguồn tài nguyên biển và đã phát triển khá đa dạng các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch.
Có thể nói, Chiến lược biển Việt Nam là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Tuy nhiên, hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển, kinh tế biển Việt Nam đã đạt được một số thành công nhưng vẫn chưa bền vững và chưa phát huy được các tiềm năng thế mạnh của tài nguyên biển.
Theo đánh giá tổng thể sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở Việt Nam của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có.
Quy mô kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỉ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.
Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển.
Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.
Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo tuy được đầu tư hỗ trợ nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp.
Mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng có nhiều chỉ tiêu đặt ra không đạt được mà còn phát sinh nhiều tồn tại yếu kém gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên môi trường biển, chẳng hạn như:
Thứ nhất, khai thác và chế biến dầu khí gặp khó khăn trong điều kiện chịu tác động của giá dầu thế giới giảm sút những năm gần đây, cùng với sản lượng khai thác sụt giảm (do trữ lượng đã được tìm thấy giảm) cùng những vấn đề an ninh trên Biển Đông nên phát triển chưa mạnh theo yêu cầu đề ra.
Tổng sản lượng khai thác dầu giai đoạn 2007 - 2017 đạt khoảng 167,9 triệu tấn (trung bình hằng năm 15,2 triệu tấn), khai thác khí đạt 101,7 tỷ m3 (trung bình hằng năm 9,2 tỷ m3). Năng lực sản xuất về lọc hóa dầu và chế biến các sản phẩm từ lọc hóa dầu còn rất hạn chế.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng biển còn chưa đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Kết cấu hạ tầng ven biển được đầu tư phát triển tương đối nhiều nhưng dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại để vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế (cảng biển, trung tâm logistics...) tạo đột phá mạnh cho phát triển một số trung tâm kinh tế biển ở tầm quốc gia, khu vực.
Một số trung tâm kinh tế biển, khu kinh tế ven biển mặc dù kết cấu có sở hạ tầng có phát triển nhưng còn chậm, sức cạnh tranh trong khu vực chưa cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Thứ ba, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ (đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường); việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển, bảo tồn môi trường sinh thái biển và vùng bờ còn nhiều hạn chế.
Khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản chưa hiệu quả cao, thiếu bền vững, chưa kiểm soát được hạn mức cấp phép khai thác hải sản cho từng vùng biển dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt dần hải sản ở vùng ven bờ.
Các hệ sinh thái ven bờ biển (rừng ngập mặn, vùng triều, rạn san hô...) có xu hướng suy giảm nghiêm trọng do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng.
Thứ tư, tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, vùng cửa sông, vũng, vịnh do hoạt động kinh tế và đời sống (sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản, hoạt động cảng biển, nước thải từ đô thị ven biển,...) xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa giải quyết tốt.
Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả hạn chế; một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên tạo bước đột phá nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với điều kiện tiềm năng, kinh tế cảng biển phát triển còn chậm và kém hiệu quả.
Thứ sáu, hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng phát triển khá nhanh về cơ sở hạ tầng, tổng công suất thiết kế các cảng trong cả nước đã đạt 534,7 triệu tấn/năm nhưng mô hình quản lý cảng chưa được đổi mới, dịch vụ cảng và các dịch vụ hậu cần sau cảng phát triển chậm, chưa đồng bộ, nhiều cảng chưa khai thác hết công suất.
Khối lượng hàng hóa hằng năm thông qua các cảng biển chủ yếu do Trung ương quản lý tăng chậm bình quân chỉ đạt 5,4%/năm.
Thứ bảy, vận tải biển mức độ hiện đại hóa và sức cạnh tranh thấp, nhất là vận tải viễn dương. Đội tàu biển phần lớn là tàu đã cũ, chủ yếu hoạt động trên các tuyến gần; cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, dư thừa tàu chở hàng bách hóa, hàng rời, thiếu tàu container, tàu chuyên dùng; khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển hiện nay chỉ tăng bình quân ở mức 3,6%/năm.
Theo đó, năng lực đóng và sửa chữa tàu biển chậm được nâng lên, hiện có hơn 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu, năng lực đóng mới tàu biển đạt khoảng 1.000.000DWT năm.
Một số nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hay liên doanh còn duy trì hoạt động đóng một số loại tàu hàng, tàu chuyên dụng (tàu container, tàu hàng rời, tàu vận chuyển dầu, tàu cứu hộ...), còn lại là đóng, sửa tàu nhỏ hoạt động ven bờ, doanh thu và hiệu quả thấp.
Thứ tám, du lịch nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như năng lực cạnh tranh của du lịch còn thấp so với các nước trong khu vực.
Môi trường kinh doanh du lịch tuy đã được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch và khả năng tiếp cận các công nghệ mới hiện đại trong quản lý còn thiếu tính chủ động...
Du lịch còn rất nhiều điểm vướng mắc, những rào cản cũng như những hạn chế yếu kém chậm được tháo gỡ, khắc phục, trong đó có những vấn đề nội tại của ngành du lịch như phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, kiểm soát chất lượng, dịch vụ, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, quản lý điểm đến.
Đặt biệt là tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, trùng lặp giữa các vùng miền... làm cho sản phẩm dịch vụ du lịch có hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Đời sống của cộng đồng dân cư vùng biển được cải thiện chưa đáng kể, còn chênh lệch lớn giữa các địa bàn, đời sống người dân vùng bãi ngang ven biển và hải đảo còn nhiều khó khăn.
Đến nay cả nước vẫn còn 291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, chiếm 62% tổng số xã có biển trong cả nước,...vv.
Nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trên thì có nhiều nhưng chủ yếu là Nhà nước chưa có quy hoạch tổng thể sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biên một cách phù hợp.
Theo đó có sự buông lỏng quản lý của Nhà nước ở một số cấp chính quyền đã dẫn tới nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn, hệ rạn san hô, thảm thực vật biển bị phá hoại và suy thoái nghiêm trọng.
Nhận thức của ngư dân còn thấp nên còn đánh bắt cá trái phép, thậm chí đánh bắt hủy diệt tại các vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng điển hình là vụ xả nước thải trái phép ra biển của Công ty Hưng Nghiệp (Fomosa) tại Hà Tĩnh, đã gây ra những hậu quả rất lớn tới môi trường biển và kinh tế - xã hội tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, việc quản lý nhiều khu bảo tồn biển chưa hiệu quả nên chưa tạo nhiều thay đổi trong phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng ven biển còn dàn trải, kém hiệu quả.
Hệ thống chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triển kinh tế biển. Một số địa phương mới chú trọng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút dự án đầu tư, chưa thật sự coi trọng đúng mức đến hiệu quả tổng hợp lâu dài trong khai thác, sử dụng nguồn lợi từ biển, phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh có sức hấp dẫn thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, trong điều kiện đầu tư vào các ngành nghề hoạt động trên biển có mức độ rủi ro cao về thời tiết, thiên tai, an toàn, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng biển thường có suất đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm.
Việc xúc tiến của các nhà đầu tư khai thác tài nguyên biển hiện nay khá rầm rộ nhưng chỉ mang tính tư duy lợi ích trước mắt chứ chưa có tầm nhìn xa chiến lược.
Việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng dạy nghề cho lao động vùng biển, lao động trên biển và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong nhiều ngành nghề kinh tế biển còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển còn yếu, chủ yếu mới tập trung trong số ít lĩnh vực như nuôi trồng thủy, hải sản, nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.
Chưa có chương trình phát triển và chuyển giao ứng dụng công nghệ biển dài hạn phục vụ cho các ngành kinh tế biển ưu tiên. Theo đó là nguồn lực tài chính chưa bảo đảm cho đầu tư kết cấu hạ tầng biển, thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng biển ở các địa phương.
Các địa phương còn nặng về tâm lý trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước cho đầu tư thực hiện nhiệm vụ, một số ngành, địa phương thiếu tinh thần chủ động, sáng tạo đổi mới cơ chế, chính sách quản lý để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực cho thực hiện Chiến lược biển.