Những kết quả tích cực
Trong hai tháng qua, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, có tính chất bứt phá và cũng lý giải vì sao nền kinh tế đã xuất siêu tới 4,72 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 3,5 tỷ USD). Cùng thời gian này, Việt Nam tiếp nhận thêm gần 4,29 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng về kết quả xuất khẩu, cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài là minh chứng cho sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng trong tiêu dùng nội địa tạo cơ hội cho giao thương, tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Sức mạnh thị trường cũng trên đà cải thiện đáng kể. Cụ thể, xếp hạng trình độ phát triển thị trường của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 59 toàn cầu, tốt hơn đáng kể so với vị trí 72 toàn cầu trong năm 2023. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận xét, kinh tế hai tháng đầu năm 2024 có những chuyển biến đáng ghi nhận, nhiều chỉ số vĩ mô ổn định, theo xu hướng phục hồi rõ nét.
Tiếp tục dồn sức cho tăng trưởng
Bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2024 có nhiều gam màu sáng, với sự bứt phá ấn tượng của 3 “chân kiềng” (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước). Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5% cho cả năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội đề ra vẫn là không dễ dàng, ẩn chứa nhiều thách thức. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49.300 đơn vị, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023, bên cạnh 3.000 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Từ thực tế trên, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung dồn sức cho tăng trưởng kinh tế thông qua ưu tiên kêu gọi, thúc đẩy đầu tư, tăng tốc xuất khẩu cũng như bảo đảm cung - cầu, kích thích tiêu dùng trong nước. Xác định đầu tư là đầu vào của tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, tập trung phát hiện, tháo gỡ vướng mắc về chính sách, cơ chế; chú trọng thu hút đầu tư tư nhân thông qua thành lập doanh nghiệp dân doanh kết hợp đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động vào cuộc, đơn giản hóa thủ tục nhằm tiết giảm chi phí tài chính và thời gian cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực chất hơn, để củng cố niềm tin, tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. “Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi 2 doanh nghiệp cùng kiến nghị về một vấn đề, Bộ sẽ xem xét ngay. Nhưng nếu hơn 3 doanh nghiệp có kiến nghị thì chúng tôi coi đây là nhiệm vụ về chính sách”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.
Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam tiếp tục chủ trương ưu tiên dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; sản xuất xanh, chuyển đổi số, chíp bán dẫn, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến chế tạo, logistics… Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tăng tốc triển khai các dự án lớn, có tính lan tỏa.
Về phát triển thị trường nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, các cấp, ngành bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo đảm cung - cầu kết hợp giữ bình ổn giá, hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát. Việc phát triển thị trường nội địa gắn với hoạt động khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như tập trung thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Mới nhất, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp thực chất, hiệu quả. Thủ tướng khái quát bằng 3 cụm từ: “5 tăng”, “5 giảm”, “5 tăng tốc, bứt phá”. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng, đặc biệt là của các động lực tăng trưởng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường tài chính; giảm lãi suất cho vay; giảm thủ tục hành chính; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế...
Theo Hanoimoi.com.vn