Có thể nói, "bóng đen" từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu do những biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng, nhiều người bị rơi vào tình trạng nghèo khó.
Bỏ lại những khó khăn, năm 2021 được kỳ vọng có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhẹ ở mức 4% trong năm 2021. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh. Những lý do khác giúp kinh tế thế giới khởi sắc là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được vào phút chót, Mỹ và châu Âu vẫn duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế…
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), các chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi. Kinh tế Mỹ Latinh cũng có thể đạt mức tăng trưởng từ 2% đến cao nhất là 3,7% nếu các quốc gia giảm bớt những biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Tại châu Âu, tiến trình phục hồi kinh tế có thể theo hai tốc độ. Trong khi các nước Bắc Âu sẽ đón nhận tín hiệu tích cực từ các lĩnh vực như việc làm, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư thì những chỉ số quan trọng này ở các nước Nam Âu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp hơn. Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sản lượng kinh tế sẽ tăng 3,6% trong năm 2021.
Châu Á được đánh giá có vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay do việc tăng tốc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam... xử lý tốt dịch bệnh và tăng trưởng trở lại cũng hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn vẫn không chắc chắn. Theo kịch bản bất lợi, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và việc triển khai vắc xin bị trì hoãn có thể hạn chế mức tăng trưởng toàn cầu xuống 1,6%. Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần hợp tác mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19. Điều này không chỉ giúp thế giới cùng vượt qua dịch bệnh mà còn có thể tạo đà cho phục hồi kinh tế, giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm 9.000 tỷ USD vào năm 2025.
Sau một năm 2020 đầy khó khăn, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có được đẩy nhanh hay không phụ thuộc vào nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây lan dịch Covid-19 của tất cả các nước. Con đường phía trước dẫu sáng sủa hơn nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.
Theo Hanoimoi.com.vn