Dù còn gặp nhiều khó khăn do hàng loạt yếu tố, nguyên nhân nhưng với sự nỗ lực, cố gắng tối đa của các cấp, ngành, địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế có nhiều điểm sáng để kỳ vọng đạt được những mục tiêu đã đề ra...
Nhiều điểm sáng
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2022, với xu hướng tích cực vì duy trì “quán tính” quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I-2023 tăng 3,28%, quý II-2023 tăng 4,05%, quý III-2023 tăng 5,33%). Tính chung, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2022. Song, dưới ảnh hưởng của sự trầm lắng kinh tế toàn cầu, co hẹp về thị trường xuất khẩu, hạn chế về khả năng tiêu thụ trong nước nên mức tăng trưởng trên chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43% (đóng góp 9,16%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,27%). Khu vực dịch vụ tăng 6,32% (đóng góp 68,57%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2022; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%.
Một điểm sáng của nền kinh tế là kết quả hoạt động trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, với số vốn mới thu hút đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tại Việt Nam 9 tháng qua cũng đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm gần đây. Đến nay, các đối tác giàu tiềm năng về vốn, công nghệ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc vẫn giữ vững niềm tin vào sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, sẵn sàng hiện thực hóa mục tiêu hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Thêm vào đó, cả nước đã đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng năm 2023, riêng khách đến bằng đường hàng không đạt gần 7,8 triệu lượt người, chiếm 87,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Một số địa phương vẫn giữ được phong độ và đóng góp xứng đáng vào kết quả chung cả nước. Đơn cử, 9 tháng qua, GRDP của Hà Nội tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Một số kết quả đáng kể như khu vực dịch vụ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,73% vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022 đóng góp 0,96% vào mức tăng GRDP. Rõ ràng, Hà Nội đã chia sẻ kịp thời với kinh tế cả nước một cách hiệu quả, đầy ý nghĩa.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên trong khi cán cân thương mại duy trì xuất siêu góp phần bảo đảm cán cân thanh toán… là những thành công của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Còn đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, 2023 là năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế chậm lại chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu, doanh nghiệp trong nước gặp khó về cơ hội tiêu thụ nhưng nền kinh tế vẫn trụ vững, ổn định vĩ mô. Dự báo, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Tranh thủ cơ hội, nhanh chóng bứt tốc
Song, nền kinh tế cũng bộc lộ không ít điểm yếu cũng như hạn chế trong khi tiếp tục đối diện nhiều thách thức, bất lợi. Hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và xuất khẩu vẫn chưa hết giai đoạn trầm lắng; trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 1,65% so với cùng kỳ, trong khi cùng thời gian, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu trong nước bị thu hẹp, trong khi thị trường nhập khẩu hàng Việt chậm cải thiện. Các thị trường quan trọng như trái phiếu, bất động sản, nhiên liệu… cũng tiềm ẩn bất lợi, khó đoán định nên rất cần sự theo dõi sát sao, điều hành vĩ mô có hiệu quả.
Hiện đã xuất hiện một số dấu hiệu, yếu tố cho thấy khả năng tăng tốc của nền kinh tế khi sức cầu nhìn chung có sự phục hồi và đó cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động sản xuất cũng như đà tăng trưởng GDP được cải thiện khá rõ qua từng quý. Mức độ lạc quan của doanh nghiệp cũng cải thiện. Tổng cục Thống kê cho biết, có 39,1% doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đánh giá xu hướng quý IV-2023 sẽ tốt hơn so với quý III-2023. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công...
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, từ nay đến hết năm 2023 cần tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp nhằm kích cầu thương mại, dịch vụ và du lịch; chủ động và quyết liệt trong đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phòng, chống dịch bệnh, thiên tai…
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội khi thị trường có một số diễn biến thuận lợi như nhu cầu và giá gạo thế giới tăng, sự phục hồi của thị trường nội địa dịp cuối năm, khai thác lợi ích từ việc ưu đãi thuế suất cho hàng Việt đối với các thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA)… để tập trung sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tất cả nhằm đạt tốc độ tăng trưởng tối đa cho năm 2023.
Theo Hanoimoi.com.vn