Giảm giá thành sản xuất
Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) sản xuất nha đam xuất khẩu, có nhà máy đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Nhằm giải quyết hơn 1.800m3 phụ phẩm nha đam thải ra trong quá trình sản xuất mỗi năm, công ty xây dựng thêm trang trại hơn 200ha trồng các loại cây: dưa lưới, nha đam, nho, táo, ổi và chăn nuôi bò, cừu, heo, gà.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, cho biết, công ty dùng phụ phẩm nha đam lên men vi sinh trộn phân chuồng để bón cho cây ăn trái, trồng cỏ. Trái cây không đạt chất lượng thì làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Chất thải chăn nuôi tiếp tục được sử dụng ủ hoai để bón cho cây trồng, làm thức ăn nuôi trùn quế… Trong quá trình hoạt động, công ty đã nghiên cứu ra một loại phân bón hữu cơ vi sinh từ phân bò và vỏ nha đam rất tốt cho cây trồng, giúp tiết kiệm khoảng 500-1.000 tấn phân mỗi năm. Từ đó, giá thành sản xuất các sản phẩm giảm khoảng 30%.
Mô hình tương tự cũng được thực hiện tại Công ty TNHH Huy Long An. Trang trại sản xuất kinh tế tuần hoàn của công ty diện tích 240ha, gồm 150ha trồng chuối xuất khẩu, 40ha trồng bưởi, măng cụt và nuôi hơn 7.000 con bò. Những trái chuối không đạt tiêu chuẩn sẽ dùng làm thức ăn cho bò. Tiếp đó, phân bò được xử lý thành phân hữu cơ bón cho vườn chuối, bưởi, măng cụt. Cỏ trong trang trại được xay nhỏ, ủ tạo sinh khối làm tăng dinh dưỡng cho đất.
“Kể từ khi sản xuất kinh tế tuần hoàn, đất trồng cho các loại cây đã không còn nhiễm phèn; phân bón hữu cơ tái chế đáp ứng hơn 80% nhu cầu nuôi trồng tại trang trại”, ông Võ Quan Huy, giám đốc công ty, cho biết.
Trang trại TH đã khép kín thành công mô hình chăn nuôi 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer). Ông Phạm Vinh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Phân bón xanh (thuộc Tập đoàn TH), cho hay, trang trại đang sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình phát triển chuỗi trang trại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phân hữu cơ thành phẩm sản xuất tại nhà máy có 2 hình thức sử dụng: bón trực tiếp cho các cánh đồng của trang trại và đạt yêu cầu về chất lượng, sẽ đóng gói thành sản phẩm bán ra thị trường.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi ngày càng phát triển, phụ phẩm nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, ngành trồng trọt liên kết chăn nuôi sẽ hình thành chuỗi khép kín. Để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; pháp luật về tái chế phụ phẩm nông nghiệp; nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông. Cùng đó, Nhà nước sớm triển khai dự án sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi.
Cần có chính sách phát triển
Theo Bộ NN-PTNT, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp cả nước gần 160 triệu tấn/năm. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm; 6 triệu tấn phụ phẩm lâm nghiệp và gần 1 triệu tấn phụ phẩm ngành thủy sản. Tuy nhiên, mức độ tận dụng các phụ phẩm chưa cao, như ngành lâm nghiệp sử dụng lại đạt hơn 50%, ngành trồng trọt 52%, ngành chăn nuôi hơn 75%...
Thực tế cho thấy, có nhiều vướng mắc khi triển khai kinh tế tuần hoàn. Tại “thủ phủ” chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, nhiều chủ trang trại bò đến các nhà máy chế biến nông sản để mua phụ phẩm làm thức ăn đã vướng khâu vận chuyển, vì không đúng theo Luật Bảo vệ môi trường. Ngược lại, phân bò, phân heo vận chuyển cũng rất khó.
Mặt khác, theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nông dân tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ khó khăn vì thu gom thủ công các phụ phẩm và phải vận chuyển đi xa nên không còn lợi nhuận. Sở dĩ mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp lớn mang lại hiệu quả là do đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, máy móc, diện tích đất quy mô lớn cũng như chi phí để đầu tư sản xuất.
Từ mô hình kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan, Trung Quốc, Úc, TS Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược (thuộc Bộ NN-PTNT) đưa ra giải pháp, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa. Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, kể cả về vốn, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chiến lược truyền thông ở các cấp gắn với hoạt động khuyến nông, nhằm lan tỏa sau rộng đến người dân. Nhờ những lợi ích thiết thực, người dân sẽ chuyển đổi mạnh hơn trong hoạt động sản xuất theo kinh tế tuần hoàn.
Quần áo tái chế từ bã cà phê, sen, vỏ hàu…
Hiện nay, có nhiều cửa hàng thời trang bán sản phẩm làm từ phế phẩm nông nghiệp. Tại một cửa hàng ở quận Tân Phú, TPHCM, nhân viên bán hàng cho biết, vải áo làm từ bã cà phê có lợi thế thoáng mát, giảm mùi hôi, khói bụi từ môi trường. Vải làm từ bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ nano có nhiều tính năng khác biệt như chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô. Tương tự, vải từ sen có khả năng tự làm sạch bề mặt và chống bám bẩn hiệu quả. Để làm được, chất vải phải qua khâu xử lý tại nhà máy tốn khá nhiều chi phí. Trong khi đó máy móc tại Việt Nam còn thiếu nên giá thành vải còn khá cao, hơn 20-30% so với vải thông thường.
Nguồn SGGP