Hơn cả biến rác thành tài nguyên
“Những gì ngành này không dùng là nguyên liệu đầu vào đáng giá với các ngành khác. Ví dụ, với sợi từ bã cà phê, Faslink đã làm ra những đôi vớ, áo polo như thế này”, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink giới thiệu tại tọa đàm: “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức ngày 12-11-2022, trong khuôn khổ các sự kiện trước thềm Mekong Connect 2022. Trong năm đầu tiên thương mại hóa, doanh nghiệp bán được 3 triệu sản phẩm áo polo từ bã cà phê tại thị trường Việt Nam, bất chấp khó khăn do dịch bệnh năm 2020.
Đây là thành quả nghiên cứu và thực hành kinh tế bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu về phát triển bền vững đi sâu vào đời sống kinh tế và từng doanh nghiệp. Bà Xuân cho hay, nhiều thị trường tiêu thụ luật hóa việc phải thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hơn hết, chính doanh nghiệp cũng nhận thấy giá trị từ đây.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner năm 1990. Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nói một cách đơn giản kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp, theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng nói về kinh tế tuần hoàn nên tập trung vào mô hình kinh doanh thay vì các nguyên tắc tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn vẫn được nhìn nhận phần nhiều dưới góc độ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điểm nhìn được đặt vào nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất.
Bên cạnh nội tại muốn đổi thay của doanh nghiệp, việc chuyển đổi còn đến từ nhu cầu và áp lực của khách hàng – những người muốn sử dụng các sản phẩm “xanh” hơn.
Như trường hợp của Faslink, áp lực cải tiến nguyên liệu một phần đến từ khách hàng lớn Heineken và Pepsi, khi những đơn vị này yêu cầu “một danh sách rất dài, chi tiết và thận trọng về mặt nguyên liệu để làm đồng phục cho nhân viên”.
Ở một hướng khác, ông Phạm Minh Thiện CEO Công ty TNHH Thanh Bình thành công khi khai thác triệt để hầu hết các nguyên liệu trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Rơm được dùng để trồng nấm. Trấu được ép viên. Cám vàng chứa hàm lượng dầu lớn được chế biến thành dầu cám xuất khẩu. Bã cám, bã bột gạo được dùng làm thức ăn chăn nuôi.
“Ban đầu tôi cũng không hiểu nguyên lý của kinh tế tuần hoàn, các ý tưởng nảy ra trong quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Thiện chia sẻ.
Sản phẩm ra đời không đến từ sự tình cờ thử nghiệm tận dụng nguyên liệu mới, Thanh Bình đưa ra sản phẩm khi biết chắc thị trường tiêu thụ và khách hàng tiềm năng. Đi theo hướng tìm kiếm nhu cầu của người dùng để cung cấp, trong chuỗi giá trị cây lúa của ông Thiện, hạt gạo không phải có giá trị lớn nhất mà ở những thứ sau nó. Trong thực hành kinh tế tuần hoàn này, chuỗi giá trị ngành có nhiều biến đổi.
Bản chất là thay đổi mô hình kinh doanh
Ông Thiện cho rằng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không giới hạn bởi một sản phẩm mà có thể nhìn rộng ra mô hình kinh doanh. Không chỉ những sản phẩm đảm bảo mục tiêu của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, bất cứ sản phẩm nào khi thương mại hóa đều có cơ hội và thách thức như nhau. Doanh nghiệp đều phải giải bài toán về nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và cách thức vận hành doanh nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng nói về kinh tế tuần hoàn nên tập trung vào mô hình kinh doanh thay vì các nguyên tắc tuần hoàn. Định nghĩa về tuần hoàn dựa trên nguyên liệu đầu vào, tính chất sử dụng lâu bền của sản phẩm… mới chỉ chạm đến nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.
Nguyên liệu đầu vào, thị trường, nhà cung cấp, phân phối hay các nguồn lực khác… chỉ là những thành phần cấu trúc kinh doanh của doanh nghiệp. Cốt lõi là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi áp dụng các nguyên tắc về tuần hoàn.
Theo ông Quân, mô hình kinh doanh dựa trên các nguyên tắc về tuần hoàn có thể khiến các kết nối cũ trong chuỗi giá trị bị phá vỡ, tạo nên mô hình mang lại giá trị kinh tế và bền vững.
“Một số doanh nghiệp có thể đi sâu vào một khâu nào đó theo nguyên tắc tuần hoàn, như Faslink tập trung vào nguyên liệu. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau trong cùng hệ sinh thái để vận hành mô hình kinh doanh mới. Nguyên tắc về tuần hoàn chỉ là cách thức chúng ta thực hiện”, vị viện trưởng nói.
Mekong Connect là Diễn đàn thường niên dành cho: doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến đồng bằng sông Cửu Long. Ra đời vào 2015, Mekong Connect xuất phát từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có thêm TPHCM. Mekong Connect được phối hợp tổ chức bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
Năm nay, Mekong Connect tập trung thảo luận về chất lượng liên kết, tích hợp trong bối cảnh lần đầu tiên Quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long cho giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ thông qua. Trong Quy hoạch này, Chính phủ có kế hoạch triển khai và có quy hoạch từng cụm, tỉnh, thành phố. Theo đó, vấn đề kết hợp với nhau là thuận lợi hơn và cũng cấp bách hơn về ý nghĩa và chất lượng hợp tác./.
Theo TBKTSG