Giữ vững nhịp độ tăng trưởng
“Khởi sắc”, “xu hướng tăng trưởng tích cực” là những cụm từ được Tổng cục Thống kê nhắc đến rất nhiều khi công bố số liệu về tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024. “Sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Nhiều con số có thể chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4/2024 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,4%). Tính chung 4 tháng, mức tăng là 6%, hoàn toàn trái ngược với mức giảm 2,5% của cùng kỳ năm trước.
Sản xuất tăng nên xu hướng chung, xuất nhập khẩu cũng tích cực hơn. Tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, con số là 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15%; còn nhập khẩu đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê tiếp tục khẳng định xu thế tích cực hơn của nền kinh tế thông qua việc có tới 15.300 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 4/2024, với tổng vốn đăng ký 175.800 tỷ đồng, tăng 8,4% về số doanh nghiệp và tăng 55% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, có 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với gần 508.000 tỷ đồng, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 9,3% về vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, có hơn 29.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, qua đó nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm lên 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu khởi sắc, mà khu vực dịch vụ cũng tiếp tục phục hồi mạnh. Chỉ trong tháng 4/2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng, con số là 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra Covid-19.
Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài đáng khích lệ, với vốn đăng ký gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn giải ngân đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đây là số vốn thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tương tự, giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt trên 115.906 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...
Một thông tin tích cực khác là theo công bố mới nhất của S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên nguỡng 50 điểm trong tháng 4, ở mức 50,3 điểm. So với con số 49,9 điểm hồi tháng 3, kết quả PMI tháng 4 cho thấy “sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam” đã cải thiện nhẹ.
Điểm tích cực của kỳ khảo sát này, theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, là số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất của Việt Nam tăng trở lại một cách đáng khích lệ trong tháng 4 sau thời gian yếu kém.
Nỗ lực để bứt tốc
Việc chỉ số PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm là một chỉ dấu quan trọng, mang tới kỳ vọng lớn hơn về sự tăng tốc cho ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.
- Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế mới đây, đã nhấn mạnh về kỳ vọng giữ được nhịp độ tăng trưởng vững chắc của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn dự kiến.
Cả hai định chế tài chính trên đều có những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,5-6% trong năm nay. Tuy vậy, cả hai đều lo ngại về sự bất định của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
“Bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Shantanu Chakraborty nói. Trong khi đó, WB cho rằng, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam.
Khi xuất khẩu giảm, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của Việt Nam. Thực tế, các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy, dù xu thế chung là tích cực, nhưng nỗi lo vẫn còn đó.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 đã giảm 5,2% so với tháng trước. Trong đó, riêng xuất khẩu chỉ đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Tương tự, dù sản xuất công nghiệp vẫn tích cực, nhưng còn tới 9 địa phương có IIP tăng thấp, thậm chí là giảm so với cùng kỳ.
Sức mua của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng chậm lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng sau khi trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 5,3%, thấp hơn mức tăng 8,7% của cùng kỳ năm ngoái. Những yếu tố này đã ảnh hưởng tới động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Có lẽ đấy chính là một trong những lý do khiến hoạt động của khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ trong 4 tháng, có 86.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cao hơn cả con số 81.300 doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm tới nay.
“Sự lên xuống thất thường của số lượng đơn đặt hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai. Hy vọng chúng ta có thể thấy một môi trường ổn định hơn trong các tháng tới để có thể giúp nhà sản xuất lập kế hoạch sản lượng và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả”, ông Andrew Harker nói.
Trong khi đó, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước. Đó là sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.
“Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.
Rõ ràng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để nền kinh tế bứt tốc.
Theo Công luận