Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND TPHCM. Ảnh: SGGP
Điểm nhấn trụ sở HĐND, UBND TPHCM
Ngày 29-4, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TPHCM (86 Lê Thánh Tôn, quận 1) lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan, được xem là sản phẩm du lịch mới, tạo điểm nhấn cho TPHCM dịp nghỉ lễ này.
Hòa cùng dòng người tham quan, anh Nguyễn Dũng (ngụ tại quận Bình Thạnh) chia sẻ, anh thực sự may mắn khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vượt thời gian của di tích này. Đối với em Lê Bích Ngọc (lớp 10, ngụ tại quận 3, TPHCM), việc được trực tiếp tìm hiểu thông tin di tích thay vì chỉ xem trên truyền hình hoặc báo chí mang đến sự khác biệt. Chuyến tham quan này giúp em bổ sung kiến thức lịch sử, làm dày vốn sống của bản thân.
Sở Du lịch TPHCM cho biết, theo kế hoạch, chương trình tham quan có 48 đoàn, mỗi đoàn 30 khách (tương đương khoảng 1.500 khách) được tổ chức trong hai ngày 29 và 30-4. Buổi sáng từ 8 giờ đến 12 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Thời lượng mỗi đợt tham quan 60 phút.
Trụ sở HĐND và UBND TPHCM là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ XX. Cuối năm 2020, trụ sở được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ. Thời Pháp thuộc, trụ sở có tên Hôtel de ville hay còn gọi Dinh Xã Tây. Thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Cùng ngày, ghi nhận từ một số hãng lữ hành như Saigontourist, Vietluxtour, TSTtourist, Chim Cánh Cụt Travel…, các tour tham quan TPHCM dịp nghỉ lễ này được khởi hành đều đặn. Chẳng hạn, tour “Sài Gòn Rong ca” được khởi hành chiều 29 và 30-4, với hành trình gồm trải nghiệm xe buýt 2 tầng khám phá khu vực trung tâm TPHCM và buýt sông khám phá sông Sài Gòn, thư giãn cuối tuần với âm nhạc tràn đầy hứng khởi cùng ẩm thực buffet khẩn hoang Nam bộ tại Làng du lịch Bình Quới.
Tương tự, tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn - Sống lại hồi ức 30-4”; tour “Sài Gòn di sản trăm năm” khám phá nét đẹp văn hóa, kiến trúc, lịch sử qua các công trình di sản độc đáo (khách sạn Continental Palace, tìm về Chợ Lớn thời quá khứ với các hội quán, đền chùa…) thuộc chùm tour của Saigontourist được du khách rất quan tâm.
Các điểm vui chơi, trung tâm mua sắm trên địa bàn TPHCM cũng thu hút khá đông người dân… Thông tin từ một số siêu thị cho thấy, mãi lực tăng khoảng 15-30% so với ngày bình thường. Các hệ thống bán lẻ này đang chạy hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá nhân kỳ nghỉ lễ ở mức 5%-50%, gồm trái cây, thực phẩm, mỹ phẩm các loại…
Thông tin từ Làng Du lịch Bình Quới (trực thuộc Saigontourist Group), lượng khách đến trong dịp nghỉ lễ này tăng 20-40% so với ngày thường. Khách được trải nghiệm tham quan đường sông Sài Gòn, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang Nam bộ, chơi các trò chơi dân gian…
Một số tour du lịch đi về trong ngày tại TPHCM hoặc các tỉnh giáp ranh như TPHCM - Đồng Nai, TPHCM - các tỉnh ĐBSCL… cũng thu hút du khách.
Phong phú hoạt động phục vụ du khách
Theo ghi nhận, trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ, tại Nhà ga quốc nội sân bay Đà Nẵng người dân và du khách tấp nập ra vào. Phần lớn đi theo nhóm hoặc gia đình. Dịp lễ năm nay sân bay Đà Nẵng có hơn 1.400 chuyến bay cất hạ cánh với 176.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, người dân nườm nượp đổ về đón xe trở về quê nghỉ lễ.
Chiều 29-4, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ và homestay tại TP Huế đều kín phòng. Dự kiến khoảng 95.000 khách du lịch đến Huế dịp lễ này.
Cùng ngày, Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 khai mạc lễ hội ẩm thực “Tinh hoa nghề bún”. Ngoài chương trình nghệ thuật tổng hợp “Nước, lửa và ẩm thực”, điểm nhấn của lễ hội là các hoạt động diễn xướng hành trình nghề bún; quảng diễn các món từ bún, món ăn Huế và bánh ngọt; không gian ẩm thực trong vườn Huế; ẩm thực Bắc - Trung - Nam; không gian ngày hội của các nhà tài trợ và đêm tôn vinh tấm lòng vì “Huế - Kinh đô ẩm thực”…
Tại Quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, hàng ngàn người dân, du khách chen chân nhau tại lễ hội Bánh dân gian Nam bộ diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5. Trong khuôn khổ lễ hội còn có Hội thi Bánh dân gian Nam bộ, quy tụ hơn 160 nghệ nhân với 73 loại bánh từ các địa phương.
Cùng ngày, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định khai mạc lễ hội Du lịch Bình Định năm 2023 với chủ đề “Quy Nhơn - Thiên đường biển - Rực rỡ sắc màu” để mở màn cho chuỗi 16 sự kiện, lễ hội du lịch diễn ra tại tỉnh này từ nay đến cuối năm.
Ngày 29-4, tại tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, UBND huyện Lạc Dương phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương lần thứ 2-2023. Giải năm nay diễn ra trùng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên thu hút đông đảo người dân và du khách đến theo dõi, cổ vũ.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, lượng du khách tới thăm viếng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ là hơn 10.000 lượt người. Trong khi đó, Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ du khách TP Vũng Tàu cho biết, ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ lễ đã đón và phục vụ 36.000 lượt du khách.
Ngày 30-4 và 1-5, TP Hà Nội tổ chức vận chuyển miễn phí cho người dân, du khách tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour. Chương trình miễn phí kéo dài tới ngày 3-5.
Khoảng 10 giờ ngày 29-4, chuyến bay số hiệu QH1281 của hãng Bamboo Airways đã hạ cánh xuống Cảng hàng không Cà Mau, chính thức khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau. Đường bay có thời gian bay hơn 2 giờ, tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần. Hai khung giờ khởi hành của hãng là 6 giờ 55 cất cánh từ Hà Nội và 9 giờ 55 cất cánh từ Cà Mau, vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần. Dòng máy bay Embraer 190 được khai thác trên đường bay này vận chuyển tối đa 98 khách./.
Nguồn SGGP