Nhưng ít ra, từ những phương cách chống chọi và vượt qua đại dịch, chúng ta ít nhiều nhận thấy vai trò của khoa học và công nghệ, dù ở khía cạnh này hay góc độ kia. Ngay cả khi phương án“vượt qua ngày dông bão” với vaccine được tận dụng thì điều đó cũng đã phần nào nói lên rằng: nghiên cứu và sáng chế là con đường sống còn còn lại!
Tôi bắt đầu câu chuyện như thế chỉ nhằm nhấn mạnh thêm ý nghĩa của một loạt chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng môi trường đủ hấp lực để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sắp được thành hình. Khá thú vị là, từ tất cả những đề án đang được Chính phủ chuẩn bị, có thể nhận ra ba trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới quốc gia trong giai đoạn mười năm tới.
Trước hết, chiến lược xác định rõ lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên và yêu cầu thiết lập thể chế và khung pháp lý tương thích với các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất thử nghiệm được diễn ra thuận tiện. Quan trọng hơn hết, việc thành lập các trung tâm nghiên cứu – đổi mới sáng tạo và các vườn ươm khởi nghiệp được xác định là nhân tố trung tâm hướng đến các mục tiêu chiến lược này.
Có thể thấy, Singapore là một trong số những quốc gia trong khu vực có chính sách rộng mở đối với cả startup nước ngoài. Và kết quả là, có không ít startup Việt lựa chọn bắt đầu khởi nghiệp từ… Singapore.
Dù vậy, một trong những thay đổi lớn trong quá trình định hình chính sách thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo giai đoạn tới chính là sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và hoạt động R&D của doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nước. Ở trụ cột thứ hai này, doanh nghiệp được xác định là một trong số nhóm chủ thể trọng yếu để thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Đương nhiên, các kênh hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn và ưu tiên vào các hoạt động R&D cũng đã được nhắc đến trong chương trình hành động.
Có thể dễ để chúng ta nghĩ rằng, R&D là hoạt động của doanh nghiệp, khắc làm thì khắc được hưởng. Nhưng nếu suy xét kỹ thì có thể hiểu được vì sao các nhà nghiên cứu đều cho rằng, một khi các kết quả nghiên cứu được sử dụng thì mức độ khuếch đại tri thức và tác dụng của nó sẽ vượt ra khỏi phạm vi của doanh nghiệp. Và đó cũng chính là lý do để Việt Nam cũng phải bắt đầu những hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ chính hoạt động của doanh nghiệp.
Trụ cột cuối cùng chính là yêu cầu về phát triển khung pháp lý phù hợp để các đơn vị tham gia nghiên cứu thuận tiện trong việc ứng dụng và thương mại hóa các kết quả R&D. Có thể nói, đây là một trong những nội dung phức tạp và đang tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều trong các diễn đàn lấy ý kiến cho các đề án.
Về mặt lý thuyết, với ý nghĩa và hiệu ứng của việc khuếch tán tri thức, Nhà nước cần đầu tư cho các hoạt động R&D công và vẫn phải đầu tư kinh phí có mức độ cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp. Cũng với một cách tiếp cận tương tự, Nhà nước cần phải tạo lập môi trường, không gian và các trung tâm nghiên cứu để… doanh nghiệp khai thác.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở góc độ doanh thu, doanh nghiệp cần phải “trả phí” khi sử dụng kết quả R&D chung để kinh doanh hay thậm chí là thương mại hóa thành quả R&D có sự đầu tư của Nhà nước. Thậm chí, ngay cả khi đề xuất này được chấp nhận thì việc xác định đúng tỷ lệ thụ hưởng phù hợp đối với mỗi bên tham gia cũng gặp không ít trở ngại.
Thực ra, chính trụ cột thứ ba là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn và tính cạnh tranh của một chính sách đổi mới sáng tạo quốc gia. Trên thực tế, để thu hút các startup, đặc biệt là các startup công nghệ, lực lượng sáng tạo năng động và sung sức của nền kinh tế, nhiều quốc gia còn hào phóng cả chính sách thuế, hỗ trợ tài chính và nhiều ưu đãi khác. Không phải chính phủ của các nước không tiếc của bỏ ra, nhưng với họ, sự bù đắp trở lại của quá trình “đầu tư” đó chính là những giá trị gia tăng mà tri thức và thành quả sáng tạo một khi được sử dụng tạo ra cho nền kinh tế cũng như tăng cường nguồn vốn xã hội (social capital).
Có thể thấy, Singapore là một trong số những quốc gia trong khu vực có chính sách rộng mở đối với cả startup nước ngoài. Và kết quả là, có không ít startup Việt lựa chọn bắt đầu khởi nghiệp từ… Singapore. Cho nên, một chính sách gò bó khó có thể được xem là phương cách tối ưu, đặc biệt là khi Việt Nam vẫn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ từ bên ngoài.
Đương nhiên, định hướng đóng vai trò như chiếc chìa khóa mở ra một cánh cửa mới, căn phòng mới và không gian mới. Mọi hoạt động sau đó có thể cũng còn gặp phải rất nhiều thử thách. Nhưng rõ ràng, khi nhận thức đã rõ thì nỗ lực sẽ càng trở nên mạnh mẽ.
Hiện tại, sau những gì đã cố gắng, Việt Nam đã được Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 của WIPO (Global Innovation Index – GII) xếp ở vị trí 44 trong tổng số 132 quốc gia và nền kinh tế và là quốc gia dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập. Đặc biệt, so với năm 2020, Việt Nam đã cải thiện từ vị trí 34 lên vị trí 22 về “trình độ phát triển thị trường”, một trong bảy trụ cốt chính của GII. Khá ấn tượng là chỉ số về đầu vào đổi mới sáng tạo đã có đôi chút cải thiện dù chỉ số đầu ra vẫn giữ nguyên ở thứ hạng như năm trước.
So với một số nước trong khu vực (thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao) thì Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện các chỉ số liên quan. Các trụ cột quan trọng đề cập nói trên vì vậy có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu đó.
Có thể mọi thứ mới chỉ bắt đầu và phần nào đó diễn ra rất âm thầm, nhưng tôi tin rằng với những gì đang dần được thay đổi, Việt Nam sẽ dần là một địa chỉ đủ sức cạnh tranh và trở thành một lựa chọn thay thế cho những kinh đô startup khác. Hay nói cách khác, nếu chúng ta xem Covid-19 là… thiên thời để không ít sản phẩm công nghệ trình làng thì Việt Nam có thể tiếp tục trở thành “địa lợi” cho các startup, đặc biệt là startup công nghệ, tìm đến trong nay mai. Đáng nói hơn, với chiến lược phát triển nhân lực công nghệ như hiện nay, kể cả việc hoạch định chính sách mời gọi chuyên gia nước ngoài đào tạo nguồn lực cho Việt Nam tại Việt Nam, thì niềm kỳ vọng được thêm phần xác tín để tự tin bước vào một năm mới tiếp theo: 2022!
Sau một thời gian chuẩn bị và xúc tiến, các bản dự thảo đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến và hoàn thiện các bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Nội dung chuẩn bị bao gồm dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1851/QĐ-TTG ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp tục kiện toàn các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp được bàn thảo từ nhiều năm trước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu xây dựng và đệ trình Chính phủ định hướng và giải pháp mới tiếp tục phát triển thị trường khoa học công nghệ sau 10 năm triển khai (2011-2020)./.
Theo The SaiGonTimes