Bước sang năm 2023, các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhiều khó khăn đối với kinh tế đất nước, trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp mong muốn, nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, có chính sách hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân làm việc luân phiên…
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tân Việt Hưng Thủ đô cho rằng, cần có những chính sách đột phá nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.
Theo bà Hiền: "Việc tiếp cận nguồn vốn là khó khăn, bởi vì chúng tôi muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động cũng phải dựa vào nguồn vốn tăng cường thêm nữa. Trong 1-2 năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện tại xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng đến giá cả xăng dầu và hoạt động logistics... doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn có được những cơ chế chính sách phù hợp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bứt phá hơn nữa".
Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có một chính sách vĩ mô ổn định để phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết: "Đối với doanh nghiệp để phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng nhất là chính sách tầm vĩ mô; nguồn nhân lực, cũng như về nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp với mục đích của họ là tạo việc làm cho lao động, muốn tạo ra những sản phẩm rất tốt cho xã hội và đóng góp vào ngân sách…
Để phát triển bền vững, tất cả các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề quan trọng là chính sách vĩ mô ổn định, chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa ổn định thì doanh nghiệp khi đấy mới tập trung vào phát triển nội lực của mình".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đương đầu với những thách thức trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp cần có những nhận diện đúng, trúng các yếu tố bất lợi để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, đồng thời doanh nghiệp cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương nghiên cứu cơ chế, nhằm giảm các loại chi phí không chính thức. Song song đó, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính là rất cần thiết, đây sẽ là tiền đề tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới./.
Nguyễn Hằng/VOV1