Việc thúc đẩy yếu tố tiêu dùng cuối cùng được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nửa cuối năm 2023. Ảnh: TL
Khi tổng cầu suy yếu
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn từ đầu năm 2023 đến nay do lạm phát vẫn ở mức cao. Điều này khiến nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại.
Ngoài ra, các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh bối cảnh quốc tế bất lợi, các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chứng khiến sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Về đầu tư, ông Hiếu cho biết số vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 232.200 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, bằng 33% so với kế hoạch năm. Còn vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng giai đoạn năm trước.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 4,3% so với cùng giai đoạn năm trước. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỉ đô la, tăng 0,5% so với cùng giai đoạn năm trước.
Về xuất – nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, với mức giảm lần lượt là 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất với mức 22,6%. Ngược lại, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm mạnh nhất với mức 25,6%. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế, dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp không ít khó khăn do sự sụt giảm tổng cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết các khách hàng của doanh nghiệp ở Mỹ và ở Châu Âu đều ghi nhận tình trạng tồn kho cao và doanh số bán giảm 30-50% so với quý 1-2022. Điều này dẫn đến tổng cầu ảnh hưởng, nhu cầu giảm sút và đơn đặt hàng xuất khẩu của các khách hàng của chúng tôi ở các nước cũng sụt giảm rất cao.
“Do tổng cầu giảm, giá cả leo thang, các khách hàng của chúng tôi cũng yêu cầu giảm giá thành tương đối sâu, bên cạnh việc giảm lượng đặt hàng. Điều này khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng kép, vừa giảm lượng đặt hàng giảm, vừa giảm giá thành sản phẩm”, ông Việt nói.
Còn ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), dự báo dự báo tổng cầu dệt may toàn cầu đạt khoảng 710 tỉ đô la, với kịch bản khả quan. Con số này thấp hơn mức 760 tỉ đô la năm 2022, 805 tỉ đô la năm 2021, và thấp hơn nhiều năm 2019 – thời điểm trước dịch.
Về đầu tư công, TS Johnathan Picus, Kinh tế trưởng thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cho rằng động lực tăng trưởng này hiện đang phân mảnh do không gắn với chính sách công nghiệp và thương mại.
“Dù mức chi cho cơ sở hạ tầng tương đối cao, nhưng việc chi còn trùng lặp, cho dự án nhỏ và không hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư công/GDP giảm, ngày càng địa phương hóa”, ông Johnathan Picus nói và cho rằng mức chi đầu tư công từ trung ương chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP của Việt Nam, dù là nước ta một trong những quốc gia có phân cấp đầu tư công cao nhất trên thế giới.
Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam hiện dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Theo đó, việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản. Ngược lại, các công cụ tài khoá chưa được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.
Bên cạnh những vấn đề trên, tỷ lệ và giá trị giải ngân một số gói hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023 rất thấp, chưa tạo ra sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Tất cả những vấn đề đã nêu, theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. Với bối cảnh này, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là rất khó khăn khi những tác động từ thế giới còn khó lường, còn khu vực sản xuất trong nước chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.
Thúc đẩy tổng cầu từ đâu?
Để kích thích tăng trưởng tổng cầu nửa cuối năm 2023, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời, nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn. Ngoài ra, các chính sách kích cầu phải hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao và hàng hóa nội địa.
Giải pháp kích cầu tạm thời, theo ông Thế Anh, là các chính sách kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng kịp thời trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, còn các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội có độ trễ lớn.
Về đầu tư, ông Thế Anh cho rằng Chính phủ có thể khuyến khích đầu tư tư nhân qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Đồng thời, sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.
Nhưng với giải pháp này, cần lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, tránh hạ lãi suất chính sách dồn dập trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP và M2/GDP khá cao, lần lượt ở mức 1,25 và 1,5 lần vào cuối 2022.
“Cần nhớ rõ bài học trước đây về chính sách kích cầu đã gây bong bóng giá tài sản, do tăng trưởng cung tiền quá cao”, ông Thế Anh nói.
Về tiêu dùng, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước và dân cư với hai yếu tố là đầu tư và xuất khẩu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,63%, thấp hơn mức tăng 3,56% ghi nhận trong cùng giai đoạn năm trước. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng, hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình, tức là các gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, muốn kích cầu trong nước, phải có giải pháp để người dân đẩy mạnh chi tiêu.
“Tiềm năng tiêu dùng trong nước còn lớn nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin về triển vọng kinh tế. Nếu lo ngại kinh tế xấu đi thì người dân sẽ tiết giảm chi tiêu”, ông Lâm lưu ý.
Với đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thực trạng giải ngân vốn chậm đã kéo dài nhiều năm nay. Để thay đổi, cần hóa giải tâm lý “sợ sai không dám làm”.
“Phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm”, ông Cung nói và cho rằng việc bỏ một khâu xin phép trong thủ tục là giảm đi một rủi ro với công chức thực thi, giảm nguy cơ phạm tội làm trái quy định.
Cũng theo chuyên gia này, cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư. Theo đó, tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay. Thậm chí, khi có quyết định đầu tư cần tìm kiếm nhà đầu tư luôn, thay vì đợi triển khai rồi mới tìm nhà đầu tư, làm mất thêm khoảng 3-4 năm.
Ngoài ra, xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư, và một số luật liên quan khác, từ đó bỏ đi những quy định đang kìm hãm hay ngăn cản việc đầu tư.
Còn bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB), lưu ý các cơ quan quản lý xác định rõ mục tiêu và chất lượng khi giải ngân vố đầu tư công, bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân vốn vàcải thiện quy trình, thủ tục đầu tư.
Theo đại diện WB, chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được Chính phủ thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng, xương sống vào các vùng quan trọng, khu vực tăng trưởng. Nhưng từ năm 2016, không có dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện.
“Đây là một ví dụ rõ ràng về việc Việt Nam đang tự hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của mình”, bà Dorsati Madani cho biết.
Bên cạnh giải pháp đầu tư công, chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cú sốc liên quan đến suy giảm kinh tế toàn cầu./.
Theo TBKTSG