Chờ Walmart tăng đặt hàng
Về lý do Walmart (nhà bán lẻ hàng đầu thế giới) đang muốn chuyển đơn hàng từ các nhà cung cấp lâu năm (là những thương hiệu mạnh của Mỹ) sang những nhà cung cấp mới như Công ty Long Sơn, ông Sơn cho rằng khi tiếp thị trong ngành hạt điều thì biết rằng tập quán tiêu dùng của người Mỹ đang thay đổi, với quan niệm thương hiệu mạnh của quốc gia cũng không ngon hơn so với thương hiệu của các công ty nhỏ.
Chính sự thay đổi thị hiếu như vậy, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, phía Walmart đã chuyển sang đặt hàng gia công từ các công ty nhỏ rồi lấy thương hiệu sản phẩm của siêu thị Walmart và bán rất thành công, người tiêu dùng vẫn mua, không có vấn đề gì xảy ra.
“Tỷ lệ XK nhân điều chế biến của công ty ngày càng tăng và đang nâng công suất sản xuất. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ cố gắng tiếp thị các sản phẩm nhân điều chuyên sâu để đẩy mạnh XK. Điểm thuận lợi là Walmart đang nhắm đến chuyển đổi sang đặt hàng của chúng tôi tại Việt Nam để làm gia công cho thương hiệu của họ”, ông Sơn nói.
Cũng nên nhắc lại, trong lần gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT của Việt Nam hồi tháng 5 năm nay, ông Paul Dick, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Walmart, có cho biết Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước XK hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống siêu thị của Walmart. Các sản phẩm Việt Nam cung ứng nhiêu cho nhà bán lẻ toàn cầu này là thực phẩm chế biến sẵn, hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử…
Ông Paul Dick lưu ý là Walmart có kế hoạch mua tất cả các loại nông lâm thủy sản từ Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng của họ nếu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng và bền vững. Cơ hội trong tương lai là không có giới hạn nếu các nhà cung ứng nông lâm thủy sản ở Việt Nam nắm bắt và áp dụng tốt các tiêu chuẩn.
Có thể nói, việc đẩy mạnh XK trực tiếp hàng hoá của Việt Nam vào các chuỗi bán lẻ lớn ở nước ngoài là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước hiện nay. Và nhất là cần vai trò của hệ thống Thương vụ - vốn được ví như là “cánh tay nối dài” đưa hàng Việt ra thế giới.
Chẳng hạn, để tăng cơ hội bán hàng của các DN Việt vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối tại Hàn Quốc, trong báo cáo tháng 11/2022, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, có đề xuất là cần đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shopping...
Bên cạnh đó, theo phía Thương vụ, cần tập trung hỗ trợ các DN Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket…nhằm từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.
Cơ hội nhiều nhưng cần thêm yếu tố bổ trợ
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, để sản phẩm XK tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, ngoài việc sản phẩm cần có chất lượng, hương vị thì còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, DN sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Do đó, các DN cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường và chuỗi bán lẻ ở Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm, trong Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 mà Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt vào tháng 11/2022 có đặt ra mục tiêu đưa hàng Việt có mặt ở kênh bán lẻ truyền thống và trực tuyến tất cả các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm XK trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ 5.000 lượt DN xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng Việt ở kênh bán lẻ nước ngoài phối hợp với các tập đoàn phân phối; tư vấn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN phát triển từ thương hiệu của các nhà phân phối, phát triển lên thương hiệu chung (co-brand) và tiến tới phát triển thương hiệu riêng trong hệ thống phân phối.
Trong việc tận dụng các FTA đưa hàng Việt vào chuỗi bán lẻ ngoại, là một DN chuyên XK mặt hàng nông sản thực phẩm, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, cho rằng điều quan trọng là DN cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn.
Còn đứng ở góc độ của một doanh nhân Việt kiều đang là chủ siêu thị thực phẩm Việt tại Australia, ông Nguyễn Hùng – chủ siêu thị AusViet Foods, cho biết mối quan tâm chính của phía siêu thị hiện nay, sau đại dịch, đó là nhu cầu của người tiêu dùng đang cần những thực phẩm tốt cho sức khỏe, các đặc sản đậm tính bản địa, vùng miền.
Gần đây, khi tìm kiếm nguồn cung nông sản thực phẩm từ một số DN nhỏ và vừa ở Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ cho siêu thị tại Australia, ông Nguyễn Hùng có gợi ý cho một số sản phẩm Việt cần hoàn thiện thêm về quy cách, bao bì, ghi chú tiêu chuẩn… để việc nhập hàng sẽ tiến hành nhanh và thuận lợi hơn.
Nói chung, cơ hội để các DN nhỏ và vừa XK trực tiếp vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ ở nước ngoài là hoàn toàn khả thi nếu biết cách cải thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu từ nhà thu mua. Và điểm mấu chốt là cần nâng cao chất lượng hàng hoá và bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới của các khách hàng quốc tế tại các siêu thị ngoại.