Trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Cố (bản Lò Suối Tủng) nuôi cá chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Song, được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt và học tập kinh nghiệm từ mô hình nuôi thủy sản hiệu quả trong vùng do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức. Ông Cố đã rút kinh nghiệm từ cách làm ao, chăm sóc cá, thức ăn, nguồn nước đến vệ sinh ao và phòng, chống dịch bệnh để áp dụng tại gia đình. Với kiến thức tích lũy, học hỏi được, ông bàn với vợ đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi cá. Đến nay, gia đình ông có 1,2ha ao nuôi các loại cá: mè, trôi, trắm, chép, rôphi đơn tính...
Gia đình ông Đỗ Văn Cố (bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu) chăm sóc cá. Ảnh: Báo Lai Châu
Theo ông Cố, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, muốn cá nhanh lớn, khỏe, cho sản lượng cao phải đảm bảo các yếu tố: chất lượng cá giống, thức ăn và nguồn nước sạch. Vì vậy, ông luôn lựa chọn giống cá có sức đề kháng tốt và mua ở nơi uy tín như Trung tâm Giống thủy sản cấp I (tỉnh Vĩnh Phúc). Khi nuôi, ông đặc biệt quan tâm môi trường ao: vét bớt bùn dưới đáy ao, khử trùng ao bằng vôi bột, khi cho nước chảy vào phải lọc qua lưới để loại trừ tạp chất và cho cá đủ lượng thức ăn để giữ nguồn nước không bị ô nhiễm. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý bằng thuốc khử trùng hoặc chế phẩm sinh học. Với cách làm trên, đàn cá của gia đình ông sinh trưởng phát triển tốt, mỗi năm thu về 300 - 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm 2018 do thiếu nhân lực, gia đình ông Cố cho một hộ dân trong vùng thuê 9.000m2 ao, chỉ giữ lại 3.000m2 mặt nước nuôi cá giống. Ông Cố tâm sự: "Đã có kinh nghiệm thì nuôi cá giống nhàn hơn cá thịt, không cần nhân công nhiều, mỗi ngày chỉ cho ăn cám viên nổi do một số công ty sản xuất bán trên thị trường hoặc bột ngô tự chế biến tại nhà. Đặc biệt, nuôi loại cá này rất ít mắc bệnh, tỷ lệ sống cao".
Được biết, ông Cố thường mua cá giống từ 3 - 5 ngày tuổi ở các trung tâm thủy sản uy tín về xuống ao ương khoảng 2 - 3 tháng, sau khi cá lớn đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì cung cấp ra thị trường. Bảo đảm cá giống ít bị hao hụt khi vận chuyển xa, ông thường bắt từ ao lên và thả vào bể trước 1 - 2 ngày để cá quen với môi trường. Với uy tín và trách nhiệm trong chăn nuôi, cá giống của gia đình ông Cố được bà con nuôi thủy sản gần - xa tin cậy và đặt mua nhiều. Hiện nay, từ tiền bán cá giống, trừ chi phí thu lãi từ 120 - 140 triệu đồng/năm.
Với diện tích 9.000m2 ao cá, mỗi năm mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Lăng (bản Séo Xin Chải) 150 triệu đồng (đã trừ chi phí). Trong câu chuyện với anh Lăng chúng tôi được biết, lợi thế đất rộng, nguồn nước thuận tiện nuôi cá nước ngọt, anh quyết định mở rộng diện tích. Trước khi bắt tay vào làm, anh Lăng học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cá trong bản và các hộ ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường). Cùng với đó, lên mạng tìm hiểu quy trình nuôi cá nước ngọt cũng như đặc tính của từng loại để lựa chọn giống nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Do vậy, anh chọn nuôi một số giống cá khỏe như: trắm, chép, mè… có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. Để cá lớn nhanh và khỏe mạnh, anh Lăng đặc biệt chú trọng đến nguồn nước, đảm bảo độ sâu theo đúng tiêu chuẩn; trong nước phải được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và hệ thống thoát nước dễ dàng vừa thuận lợi cho thu hoạch cá, vừa dễ cải tạo ao.
Khi nuôi cá, anh Lăng luôn quan tâm đến lượng thức ăn, sở thích của từng loại cá và đảm bảo 4 yêu cầu: đúng loại, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao nuôi, nếu trên bề mặt có thức ăn dư thừa trong thời gian dài thì vớt bỏ tránh tình trạng cá ăn vào bị ngộ độc. Chú trọng phòng trừ dịch bệnh cho cá theo mùa, nhất là các bệnh thường gặp vào hè thu như: nấm và sâu móc... Giảm chi phí nuôi, anh Lăng còn ươm gối vụ 2 lứa cá bột/năm, đảm bảo mỗi lứa cá xuất ra thị trường đúng thời gian nuôi 11 tháng, chắc thịt, ngon, ngọt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Không chỉ ông Cố, anh Lăng, hiện nay trên địa bàn xã San Thàng có khoảng 25 hộ nuôi thủy sản có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm như gia đình các ông: Nguyễn Văn Quát (bản Séo Xin Chải), Nguyễn Văn Thoan (Lò Suối Tủng), Trần Văn Nhung (bản Cắng Đắng)…
Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ngoài lợi thế có suối, nguồn nước và tạo điều kiện cho bà con vay vốn từ các ngân hàng, xã San Thàng tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc. Đến nay, xã San Thàng có 77,42ha thủy sản, sản lượng đạt 325,1 tấn (tăng 2,4% so với năm 2019).
Anh Vàng Văn Dèn - Chủ tịch Hội Nông dân xã San Thàng cho biết: "Nâng cao thu nhập cho hội viên từ nuôi thủy sản, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền mở rộng diện tích và lựa chọn nuôi các giống cá phù hợp khí hậu địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh, tạo điều kiện vay vốn mở rộng quy mô, diện tích. Từng bước đưa thương hiệu cá San Thàng vươn tới các huyện lân cận".