Trả lời:
Công tác quản lý đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn những nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ Đảng”. Do vậy, quản lý đảng viên tốt sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần tăng cường “sức đề kháng” cho đảng viên trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vậy để công tác quản lý đảng viên được chặt chẽ, có nền nếp theo đúng quy định của Đảng, cần phải làm gì?
Một là, cấp ủy các cấp cần coi trọng việc hướng dẫn nội dung về công tác quản lý đảng viên. Công tác quản lý đảng viên bao gồm: các hoạt động về quản lý hồ sơ đảng viên, quản lý về tư tưởng, hoạt động của đảng viên; phân công công tác cho đảng viên; chuyển sinh hoạt đảng; đánh giá, xếp loại đảng viên; khen thưởng và kỷ luật đảng viên. Tổ chức cơ sở Đảng, nhất là chi bộ cơ sở phải nắm rõ lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của từng đảng viên, về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, nhiệm vụ cụ thể được phân công, phong cách lối sống, mối quan hệ với nhân dân tại cơ quan và nơi cư trú, khả năng tập hợp, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từng nội dung phải được quy định rõ ràng trách nhiệm của cấp ủy và trách nhiệm cụ thể của từng đảng viên, định kỳ phải được kiểm điểm, đánh giá sau đó phân loại đảng viên. Bên cạnh đó, phải thấu hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ của đảng viên, phát hiện những khó khăn, biểu hiện lệch lạc, sai sót để kịp thời uốn nắn, tránh để những nguyên nhân đó là điều kiện, là bước đệm để các thế lực thù địch lấy làm bàn đạp, làm méo mó tư tưởng của đảng viên, hướng đảng viên đến những hành động sai trái, gây hoang mang trong nội bộ. Đặc biệt hướng dẫn cụ thể cho đảng viên thực hiện những quy định của Trung ương về công tác quản lý đảng viên như Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về “Những điều đảng viên không được làm” thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011, gồm 19 điều, được quy định rất cụ thể, rõ ràng.
Một buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: Internet.
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý đảng viên. Chi bộ chính là nơi để đảng viên báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện nghị quyết. Sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm được ba tiêu chí: lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu. Đối với tiêu chí “lãnh đạo”, sinh hoạt chi bộ hướng cho đảng viên một cái nhìn tổng quát nhất về cơ chế lãnh đạo. Trong sinh hoạt phải thực hiện tốt tập trung dân chủ, công khai và minh bạch theo quy chế làm việc, khi thảo luận có thể nêu nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, song khi đã thành nghị quyết, thì bắt buộc mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết. Đối với tiêu chí “giáo dục”, tự phê bình và phê bình là nội dung không thể thiếu, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của đảng viên bằng tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan, không nể nang, né tránh, không che dấu khuyết điểm, bao che hành vi vi phạm, không để tự phê bình và phê bình trở thành “hạt sạn” có ích đối với các thế lực thù địch, đang chờ cơ hội chỉ để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng góp phần rất quan trọng trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vì hơn hết, chi bộ chính là nơi theo sát nhất cử, nhất động của đảng viên, giúp đảng viên đang hoang mang lấy lại ý thức hệ của mình. Thông qua những buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên sẽ có kỹ năng nhận diện các thế lực thù địch cũng như hoạt động của chúng để từ đó có thể hiểu được các phương thức mà Đảng đang tiến hành để đấu tranh chống lại chúng, thậm chí, còn nhận thấy chỗ chưa hợp lý trong kế hoạch đấu tranh, phản bác mà góp ý, sửa đổi.
Ba là, cấp ủy cấp trên định kỳ phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý đảng viên của chi bộ. Tập trung vào những nội dung chính có liên quan đến diễn biến tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống của đảng viên vì muốn cơ thể phát triển khỏe mạnh, thì từng tế bào trước hết phải khỏe mạnh. Cấp ủy cần phân công cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo theo dõi, giúp đỡ chi bộ để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong đó đặc biệt có việc thực hiện quản lý đảng viên.
Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường xuyên thay đổi cách thức hoạt động, trở nên ngày càng tinh vi, xảo quyệt, yêu cầu chúng ta phải quản lý đảng viên một cách chặt chẽ, có hệ thống. Không chỉ xuyên tạc, truyền bá những tư tưởng lệch lạc về hệ thống chính trị, hay hệ tư tưởng của Đảng mà giờ đây, chúng sử dụng ngay những hành động, việc làm nhỏ nhất của cán bộ, đảng viên, những việc nhỏ mà đảng viên chúng ta chủ quan, vì xem nhẹ nó, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vậy nên, có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên việc quản lý đảng viên của chi bộ là việc rất quan trọng mà cấp ủy các cấp cần phải thực sự lưu tâm, góp phần củng cố tư tưởng của đảng viên, để đảng viên hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Một tấm gương sáng bao giờ cũng giúp chúng ta nhìn rõ hơn hình ảnh của mình. Trong cuộc sống, trước một người mẫu mực về đạo đức lối sống, về trình độ, năng lực và phong cách làm việc, ai cũng muốn lấy đó làm gương để soi lại mình mà không cần phải có một biện pháp nào bắt buộc. Đó là nếp sống văn minh, là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng. Nêu gương trên cả 5 mặt của công tác xây dựng Đảng, trong đó có nội dung nêu gương về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công, giữ gìn đoàn kết trong Đảng và Nhân dân, gương mẫu đi đầu trong công việc để thu hút tập hợp Nhân dân thực hiện mọi nghị quyết của Đảng. Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ Đảng, đấu tranh với các thế lực thù địch hòng chia rẽ, làm suy yếu mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Có rèn luyện như thế mỗi đảng viên mới trở thành tấm gương sáng, mới có thể hoàn thành trách nhiệm nêu gương trước đảng viên khác và trước Nhân dân.
Năm là, cần quan tâm, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng Đảng nói chung và công tác quản lý đảng viên nói riêng để bí thư chi bộ có đủ năng lực lãnh đạo, đủ năng lực quản lý đảng viên một cách tốt nhất. Họ phải là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình và trách nhiệm, biết xử lý tình huống phát sinh một cách hợp lý, hiệu quả.
Hồng Hạnh