3 yếu tố giúp lạm phát trong năm 2023 không quá lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính trung bình CPI trong năm 2022 tăng 3,15%. Các chuyên gia nhận định, đây cũng là con số khá thấp nếu so với các nước phát triển.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn các nước gồm: Nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa, do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh khi cung hàng hóa vẫn khá dồi dào.
Bên cạnh đó, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa).
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như giá dịch vụ y tế, giáo dục và điển hình là giá điện.
Câu hỏi đặt ra là: Với việc lạm phát tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng như hiện nay, liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát xung quanh mức 4,5% trong năm 2023 có đạt được?
Ông Độ cho rằng, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn nhờ 3 yếu tố.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022.
Thứ hai, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD. Nếu xu hướng giảm giá của đồng USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển. Điều này tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo 2 kênh: Một mặt, tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại; mặt khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới (bao gồm cả giá dầu).
Tốc độ tăng CPI sẽ giảm dần
Theo các chuyên gia, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.
Do vậy, chuyên gia này dự báo tốc độ tăng CPI trung bình hàng tháng trong năm 2023 sẽ giảm đáng kể so với năm 2022.
Lạm phát so với cùng kỳ có khả năng sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo sẽ nằm trong khoảng 3-4%, hay nói cách khác là xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%).
Lạc quan về triển vọng kiểm soát lạm phát, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, năm 2023 có những thuận lợi trên đà phục hồi kinh tế năm 2022 tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa…
Bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát như giá cả thế giới vẫn còn biến động khó lường, logistics vẫn tiếp tục khó khăn, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến các nền kinh tế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam và gây sức ép lạm phát trong nước.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, để kiểm soát lạm phát sẽ phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. "Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung", ông Tiến nói./.