Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) có gần 400 mạng xã hội, hơn 1.100 trang thông tin điện tử và khoảng 22 triệu tài khoản đang hoạt động. Không gian đa kết nối ấy cũng là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: từ hội nghị, hội thảo, giao tiếp, mua bán, trình diễn, giải trí cho đến dư luận về chính sách, về đời sống thường ngày.
Với nhận thức mạng xã hội còn là kênh thông tin phản hồi rất quan trọng cho quá trình hình thành, xây dựng và thực thi chính sách, việc TPHCM mới đây ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” trước tiên thể hiện sự cầu thị của chính quyền thành phố trong việc quan tâm, tiếp nhận ý kiến nhiều chiều của người dân. Ngoài cổng 1022 có vai trò tiếp nhận và giải đáp thông tin, nay phần mềm này giúp cho lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời tâm thế xã hội, những vấn đề bức xúc đang diễn ra, từ đó kịp thời có hướng tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận xã hội. Điều này càng có ý nghĩa trong năm 2024, khi TPHCM chọn chủ đề “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Hai hợp phần của chủ đề năm đều là những chính sách lớn, có tầm quan trọng đối với mục tiêu nhiệm kỳ, mang theo kỳ vọng đột phá, tạo ra không gian phát triển mới cho kinh tế thành phố.
Truyền thông chính sách, muốn thành công thì phải xây dựng cho được các kênh thông tin nhiều chiều, thậm chí phải hình thành văn hóa đối thoại chính sách. Dòng chảy thông tin từ chính sách công, lan tỏa ra truyền thông chính thống, kết hợp với ý kiến bình luận, khen chê, góp ý, tương tác trên môi trường mạng rất cần những luồng thông tin phản hồi nhanh nhạy và kịp thời. Thời đại công nghệ số cho phép ta lắng nghe bằng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn qua phân tích sẽ cho ra kết quả là những hiểu biết sâu sắc, định lượng, từ đó giúp cho nhà lãnh đạo đưa ra các quyết sách phù hợp.
Chúng ta có thể hình dung lắng nghe trên mạng xã hội là phương thức lắng nghe chủ động trên diện rộng. Nếu như mục tiêu chính sách cần phải được biến thành hành động cụ thể và đi vào thực tiễn cuộc sống, thì việc chủ động lắng nghe trên từng bước chân thực thi chính sách chính là yếu tố đồng hành không thể thiếu cho một lộ trình. Lắng nghe để nhìn lại những mục tiêu cam kết đã thực hiện ra sao; lắng nghe để không ai bị bỏ lại phía sau cho từng chính sách. Ấy chính là một hệ số cân bằng để điều chỉnh những góc khuất, để tâm tư tình cảm và trông đợi của người dân được kết nối với quá trình thực thi chính sách công.
Khi đã có dữ liệu đầu vào, các bước phân tích tiếp theo sẽ tạo ra các sản phẩm thông tin mang tính hệ thống, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Qua thời gian, dữ liệu được bồi đắp cho phép so sánh theo thời gian, theo chủ đề nhằm đưa ra những dự báo có độ chính xác cao hơn. Công tác dự báo, thậm chí cảnh báo thông tin chính là bước tiếp theo của quá trình xử lý thông tin. Khâu này đòi hỏi sự đánh giá khách quan, trung thực và kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, một phương tiện hữu ích cũng không tránh khỏi bị lạm dụng. Một câu hỏi đặt ra là, liệu rằng việc lắng nghe mạng xã hội có ảnh hưởng đến dữ liệu cá nhân hay không? Chúng ta phải thừa nhận có rủi ro như thế, nhưng việc phân quyền khai thác và quy chế sử dụng phần mềm có thể đảm bảo cho việc sử dụng đúng mục đích và yêu cầu đề ra. Kiến trúc và cấu hình của từng tài khoản khai thác được giám sát chặt chẽ từ đơn vị chức năng.
Nhìn về phía trước, chúng ta thấy một thành phố năng động và đang trong quá trình chuyển mình thoát khỏi chiếc áo cũ bằng những động lực mới, rất cần những mô hình thử nghiệm, những trung tâm mô phỏng chính sách mạnh. Đấy chính là chiều lao tới của con tàu đô thị. Như vậy, ngoài chuyện lắng nghe, chúng ta cần thấy và cần có những hình dung mới, để minh định những hướng phát triển mới của thành phố và những lựa chọn cho tương lai. Khi ta đã nghe đủ và thấy rõ, chuyện còn lại là tạo ra những bước ngoặt cho sự phát triển.
Nguồn SGGP